![]() |
Bộ trưởng Đào Đình Bình làm lễ mở biển cảng Cái Lân. |
Các bến 5-6-7, được khởi công từ tháng 9/2000, với vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, nay có năng lực đón tàu 4 vạn tấn đầy tải. Luồng tàu hiện nay sâu 8,1 m, về lâu dài khi nhu cầu lưu thông tăng cao sẽ nạo vét xuống 10 m. Theo Bộ Giao thông vận tải, Cái Lân có điều kiện tự nhiên lý tưởng để xây dựng cảng nước sâu bởi khu vực cảng và luồng dẫn tốc độ sa bồi chậm, lại nằm trong vịnh Bãi Cháy nên che chắn được gió bão.
- Việt Nam hiện có hơn 100 cảng, với 10 khu chuyển tải và trên 10 triệu m2 kho bãi. Ngoài các cảng do doanh nghiệp nhà nước quản lý, đã có cảng do công ty TNHH, liên doanh đầu tư xây dựng và khai thác như cảng VICT (TP HCM), Phú Mỹ (Bà Rịa Vũng Tàu). |
Cái Lân là cảng trung tâm trong cụm cảng biển đông bắc. Cảng nước sâu này được nối mạng với các tỉnh đồng bằng sông Hồng qua QL 18. Cái Lân cũng có vị trí địa lý thuận lợi, có đường bộ ngắn nối với khu vực bắc Lào và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, nên có thể phục vụ vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực này.
Hồi tháng 11, Chính phủ đã có quyết định thí điểm cho thuê quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cầu cảng Cái Lân. Đây là cảng biển đầu tiên hoạt động theo cơ chế này, với đại diện chủ sở hữu là Cục Hàng hải Việt Nam, doanh nghiệp thuê là Cảng Quảng Ninh (Tổng công ty Hàng hải Việt Nam). Bộ trưởng Giao thông vận tải Đào Đình Bình nhận định với giá thuê ổn định ký theo hợp đồng 5 năm, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm cao hơn bên cạnh quyền chủ động kinh doanh khai thác cảng biển.
Thế Dũng