"Không có kế hoạch nào cho thấy chính phủ Canada sẽ nhận số rác thải ở Malaysia", người phát ngôn Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada Gabrielle Lamontagne cho biết trong thông báo hôm 13/6. Lamontagne nói không có dấu hiệu nào cho thấy số chất thải nhựa trên có nguồn gốc từ Canada và bộ này đã liên hệ với chính phủ Malaysia để có thông tin chi tiết.
Chính phủ Malaysia hồi cuối tháng 5 tuyên bố sẽ gửi trả 3.000 tấn rác thải nhựa trở lại 14 quốc gia phát triển, trong đó Canada, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Australia và Anh. "Các nước phát triển phải có trách nhiệm với những thứ họ đã chuyển đi", Bộ trưởng Năng lượng, Công nghệ, Khoa học, Biến đổi khí hậu và Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin nói hôm 21/5.
Bà Yeo cho biết nhiều loại phế liệu nhựa chuyển tới Malaysia vi phạm Công ước Basel - hiệp ước Liên Hợp Quốc về buôn bán và xử lý chất thải nhựa. Quốc gia Đông Nam Á này năm ngoái trở thành điểm đến hàng đầu cho rác thải nhựa sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu loại phế liệu này, làm gián đoạn dòng chảy hơn 7 triệu tấn rác nhựa mỗi năm.
Rác thải nhựa từ nước ngoài, đặc biệt là nhựa không thể tái chế, gần đây trở thành một trong những vấn đề nổi cộm ở một số quốc gia Đông Nam Á. Philippines hồi tháng 5 rút nhân viên ngoại giao từ Canada về nước khi Ottawa không chịu nhận lại hàng chục container rác thải nhựa chuyển tới quốc gia này. Chính phủ Canada sau đó nhượng bộ, chấp nhận để Philippines chuyển số rác trên bằng đường biển về cảng Canada.
Đầu tuần này, Canada công bố kế hoạch cấm một số loại nhựa sử dụng một lần như ống hút, túi, dao kéo vào đầu năm 2021 để giảm chất thải không thể tái chế và bảo vệ các đại dương.
Mai Lâm (Theo Reuters)