Cuối tuần trước, Chính phủ của Thủ tướng Canada - Justin Trudeau đã gửi thông báo về việc nước này phê chuẩn CPTPP đến New Zealand - quốc gia chịu trách nhiệm theo dõi và ghi chép tiến trình hiệp định, Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết. Canada đã hoàn tất quá trình pháp lý sau khi các nhà làm luật thông qua hiệp định hôm 25/10.
Canada là quốc gia thứ 5 phê chuẩn CPTPP, sau Nhật Bản, Mexico, Singapore và New Zealand. Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Australia cũng cho biết sắp hoàn tất việc này. Tại Việt Nam, CPTPP cũng sẽ được trình lên Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp đang diễn ra.
CPTPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi được 6 nước phê chuẩn. Các nước thành viên đang nỗ lực hoàn thành việc này muộn nhất vào ngày 1/11, để ngày 31/12 bắt đầu vòng giảm thuế nhập khẩu đầu tiên, và 1/1/2019 khởi động vòng giảm thuế tiếp theo.
Các nước còn lại trong CPTPP là Chile, Malaysia, Brunei và Peru. CPTPP ban đầu có tên Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sau khi Tổng thống Mỹ - Donald Trump rút nước này khỏi TPP đầu năm ngoái, các nước còn lại đã nỗ lực đàm phán, dưới sự dẫn dắt của Nhật Bản, để đạt hiệp định mới vào tháng 11. Đến tháng 3 năm nay, CPTPP được ký kết tại Santiago (Chile).
CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại. Hiệp định này cũng xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước...
Hà Thu (theo Bloomberg)