Peck và thân chủ Mạnh Vãn Chu xuất hiện trước Tòa án tối cao British Columbia ở Vancouver, Canada hôm 23/9 để tham gia phiên tranh luận sơ bộ nhằm chống lại nỗ lực dẫn độ bà về Mỹ. Trong phiên tranh luận, luật sư của bà Mạnh tìm cách chứng minh rằng cơ quan hành pháp Canada đã vi phạm quy trình tố tụng với thân chủ của mình.
"Thực tế cho thấy Cơ quan Biên phòng Canada (CBSA) và Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) đã hợp tác và sắp xếp kế hoạch đối phó bà Mạnh theo cách vi phạm các quyền của bà", Peck nói trước tòa.
Theo Peck, CBSA và RCMP đã trì hoãn việc bắt bà Mạnh và thu thập bằng chứng cho nhà chức trách Mỹ trong "một cuộc điều tra hình sự bí mật". Ông chỉ ra rằng các sĩ quan biên phòng Canada bắt bà Mạnh với cái cớ nhập cư và không thông báo cho bà về yêu cầu của Mỹ trong vụ bắt. Họ cũng sử dụng mật khẩu bà Mạnh tự nguyện cung cấp để thâm nhập máy tính và điện thoại của bà.
"Họ thẩm vấn bà ấy trong suốt ba giờ mà không tư vấn về các quyền của người bị bắt, sau đó bàn giao bà cho cảnh sát liên bang", luật sư nói.
Theo luật sư, điều này giúp các đặc vụ CBSA có "cơ hội thẩm vấn Mạnh" thay RCMP và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), cho thấy nhà chức trách Mỹ thường xuyên "lạm dụng" vấn đề nhập cư để thu thập bằng chứng các vụ án hình sự.
"Cảnh sát Canada đã đứng bên lề và để lực lượng biên phòng kiểm tra bà Mạnh mà không cho bà ấy biết bản chất thực sự của lý do bà ấy bị giam", Peck nói, thêm rằng cơ quan biên phòng đã bảo mật máy tính xách tay, iPad, khóa USB và điện thoại di động của bà Mạnh "để trao cho RCMP và cuối cùng để chuyển cho FBI".
Nếu luật sư bào chữa cung cấp được bằng chứng cho thấy CBSA và RCMS vi phạm quy trình tố tụng, Bộ trưởng Tư pháp Canada sẽ có thể phải xem xét lại quyết định dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ theo yêu cầu của Washington.
Cả CBSA và RCMP đều cho rằng không có bằng chứng nào chứng minh cho những cáo buộc đó, công tố viên Canada cho biết trong tài liệu tòa án mới được công bố.
Mạnh Vãn Chu, 47 tuổi, giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei, bị nhà chức trách Canada bắt khi đang quá cảnh tại sân bay quốc tế Vancouver tháng 12 năm ngoái theo yêu cầu của Mỹ. Mỹ muốn đưa bà Mạnh ra xét xử tội lừa đảo vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran và gian lận các ngân hàng của Mỹ. Luật sư của Mạnh Vãn Chu bác bỏ cáo buộc này.
Việc Mạnh Vãn Chu bị bắt đã gây ra rạn nứt ngoại giao chưa từng có giữa Trung Quốc và Canada. 9 ngày sau khi bà Mạnh bị bắt, Trung Quốc bắt hai công dân Canada với cáo buộc gián điệp, động thái được cho là nhằm trả đũa. Trung Quốc cũng đã chặn các lô hàng nông sản Canada trị giá hàng tỷ USD.
Bà Mạnh hiện được tại ngoại, chờ ngày bắt đầu phiên xử dẫn độ vào tháng một năm tới.
Huyền Lê (Theo AFP)