Trong bảo quản thực phẩm, hàn the khi cho vào thịt, tôm, cá làm những thức này lâu ươn, khi cho vào thịt, lạp xưởng hàn the giúp giữ sắc đỏ, tạo màu đẹp mắt cho những thức ăn này.
Hàn the được hấp thu vào cơ thể con người qua đường ăn uống rất nhanh, vào máu độc chất sẽ đi đến khắp các cơ quan, tập trung nhiều nhất ở ống tiêu hoá, gan, thận não, da. Được giữ trong cơ thể đến 3 ngày hàn the mới thải ra ngoài qua nước tiểu nhưng một lượng vẫn tích lũy lại rất lâu trong cơ thể.
Hàn the là chất có độc tính cao đối với cơ thể con người, ăn thức ăn chứa 15 gam hàn the đủ gây độc cho cơ thể người lớn. Nhưng với trẻ em chỉ cần ăn thức ăn chứa 1 gam hàn the là đủ để gây ngộ độc cấp, gây tổn thương nhiều cơ quan.
Trẻ em ăn từ 1 gam trở lên sẽ bị ngộ độc cấp tính. Trẻ có các triệu chứng tương tự như các bệnh lý tiêu hoá thường gặp như buồn nôn, nôn nhiều, chất nôn ói có đặc điểm là dịch màu xanh. Trẻ cũng bị đau bụng, tiêu chảy hoặc đi tiêu phân màu đen. Trường hợp nặng sẽ bị co giật, hôn mê, sau đó diễn tiến đến suy thận, sốc nặng gây tử vong.
Ăn liều thấp kéo dài, hàn the tích lũy trong cơ thể gây triệu chứng ngộ độc mãn, trẻ có triệu chứng co giật, suy thận, da thường bị bong tróc nhiều. Ngoài những triệu chứng trên, hàn the còn có khả năng gây bệnh ung thư và những hệ quả lâu dài đến thế hệ sau.
Để phòng tránh ngộ độc hàn the tốt nhất là không nên ăn những thức ăn nghi ngờ có chứa hàn the. Không nên chọn mua những loại thức ăn quá giòn, quá dai. Nên dùng những loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Khi chế biến thức ăn cũng không nên lạm dụng loại phụ gia này.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Kim Thoa
Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TP HCM