Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khuyến cáo nhóm thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn cao là hải sản tái, sống do chứa các loại vi khuẩn chưa được tiêu diệt hết vì nấu không kỹ.
Loại khuẩn gây bệnh quen thuộc nhất là phẩy khuẩn tả (Vibrio cholerae) gây bệnh tả. Người mắc bệnh tả có biểu hiện lâm sàng là tiêu chảy, nôn nhiều lần dẫn đến mất nước, mất điện giải. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến trụy tim mạch, suy kiệt và tử vong.
Người có nguy cơ cao nhiễm khuẩn tả khi ăn hàu sống, gỏi cá, gỏi mực hoặc không được chế biến đúng cách. "Món đã chế biến cũng nên ăn sớm ngay, bởi hải sản sẽ nhanh chóng bị vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập và phát triển nếu để lâu", bác sĩ cho hay. Một số loại như cá thu, cá ngừ nhiễm khuẩn sẽ biến thành chất độc histamine, ăn gây đỏ da, nóng bừng, đau đầu, khó thở.
Sán lá gan nhỏ là loại ký sinh trùng tiềm ẩn. Bác sĩ Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, giải thích sán lá gan nhỏ truyền qua cá (Fishborne Trematode), người nhiễm do ăn cá sống có ấu trùng sán. Khi vào cơ thể, chúng xuống dạ dày, tá tràng rồi chui lên đường mật của gan để phát triển trưởng thành, ký sinh vĩnh viễn tại đó.
Bệnh sán lá gan nhỏ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, làm tổn thương đường mật, túi mật, các cơ quan khác. Tùy theo mức độ nhiễm, thời gian nhiễm, sán gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa, thiếu máu, kích thích và viêm đường mật, áp xe đường mật; xơ hóa lan tỏa ở khoảng cửa, tổ chức gan tăng sinh, đặc biệt có thể gây ung thư đường mật.
Để đề phòng ký sinh trùng và ngộ độc thực phẩm, các chuyên gia khuyến cáo chỉ ăn tại các cơ sở uy tín, chất lượng thực phẩm đảm bảo, nguồn gốc rõ ràng. Ăn chín, uống sôi, không nên ăn cá, ốc chưa được nấu chín kỹ dưới mọi hình thức. Không ăn sống các loại rau mọc dưới nước.
Nếu nghi ngờ nhiễm, người bệnh phải đến cơ sở y tế để xét nghiệm, điều trị kịp thời.
Thúy Quỳnh