From: "Vo Xuan Vinh"
To: <webmaster@vnexpress.net>
Sent: Wednesday, January 30, 2002 2:37 PM
Subject: Giai the Dai hoc dan lap Dong do
Tôi rất hoan nghênh báo điện tử VnExpress đã đưa tin khách quan về tiêu cực tại trường Đại học dân lập Đông Đô. Tôi cũng rất tán thành việc ngành giáo dục và các cơ quan chức năng thanh tra xử lý các vi phạm có tính hệ thống và nghiêm trọng của hội đồng quản trị trường này. Nhưng tôi thấy kiến nghị giải tán Đại học dân lập Đông Đô mới chỉ tập trung xử lý được các sai phạm của các vị nhà giáo mà thôi. Chưa đề cập tới việc đi đâu, về đâu của hàng nghìn sinh viên đang theo học và cả những sinh viên đã tốt nghiệp ra trường. Các sinh viên Đại học dân lập Đông Đô khi ra trường, cầm mảnh bằng của một trường đã giải thể thì ai nhận vào làm việc. Tương lai của họ sẽ ra sao với những mảnh bằng phải đổ mồ hôi, tiền của, thời gian để đạt được.
Theo tôi, chỉ nên xử lý những người vi phạm, yêu cầu phải khắc phục, sửa chữa những vi phạm đó trong thời gian nhanh nhất. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần chấn chỉnh lại chất lượng đào tạo và các điều kiện vật chất tối thiểu. Cũng có thể thay đổi và kêu gọi đầu tư từ những nguồn đầu tư khác để đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo. Tìm ra một cách xử lý nghiêm minh với các vi phạm và đảm bảo được quyền lợi của những sinh viên đòi hỏi phải có sự cân nhắc kỹ càng của các nhà quản lý giáo dục.
Còn đề cập đến cụm từ thương mại hóa giáo dục mà xã hội đang lên án gay gắt. Theo tôi, trong cơ chế thị trường, thương mại hóa theo đúng nghĩa là một xu hướng chung, là một tất yếu của thời đại. Nhưng thương mại trên cơ sở những quy định của pháp luật, không như "thương mại hóa" ở Đại học dân lập Đông Đô, tối đa hóa lợi nhuận chứ không đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và chất lượng đào tạo.
Ở các nước phát triển, cá biệt như Australia, giáo dục là một ngành có lợi nhuận tương đối cao và thậm chí còn xuất khẩu giáo dục. Các trường thu hút sinh viên dựa trên chất lượng đào tạo được đánh giá như dịch vụ cho sinh viên, chất lượng giảng viên, các ngành học phù hợp với thực tế, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm... Ngoài ra, học phí cũng là một tiêu chí để sinh viên chọn trường học. Sinh viên được chính phủ cho vay tiền theo học, sau khi tốt nghiệp đi làm thì tiền nợ đó sẽ trừ dần vào lương.
Vài dòng trên đây hy vọng các nhà quản lý giáo dục đưa ra một cách xử lý hợp tình, hợp lý trong đó quyền lợi của sinh viên phải được đưa
lên hàng đầu.
Võ Xuân Vinh