Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố, ông Nguyễn Đăng Trừng nhận xét, toàn bộ 60 luật sư của đoàn đã được VKSND và TAND thành phố đã tạo điều kiện tối đa cho sao chụp tài liệu, hồ sơ vụ án. Khi xét xử, những người bào chữa được gặp gỡ thân chủ 15 phút, bài bào chữa của họ không bị cắt ngang, hạn chế thời gian như các phiên tòa khác. “Những vấn đề này luật sư mong muốn từ lâu và đề nghị tiếp tục phát huy trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới” - ông Trừng nói.
Tại phiên tòa, các luật sư đã thể hiện được bản lĩnh nghề nghiệp, kỹ năng hành nghề, nhiều bài bào chữa được dư luận đánh giá cao. Đây sẽ là tài liệu tham khảo trong giảng dạy nghề luật sư tại Trường Đào tạo các chức danh tư pháp.
Tuy nhiên một số luật sư khi bào chữa không đi vào trọng tâm, thậm chí hiểu sai luật, gây phản ứng không tốt từ những người theo dõi phiên tòa. Ngược lại, theo một số luật sư, có vấn đề họ nêu ra xác đáng nhưng công tố viên không tranh luận, cũng không nói rõ đồng ý hay bác bỏ. Thậm chí đại diện VKS thay vì tranh luận lại quay sang “chơi chữ” với luật sư. Những ưu khuyết điểm này cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Về việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra văn bản kiến nghị xử lý và sau đó đại diện VKSND TP HCM đề nghị áp dụng Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự, khởi tố luật sư Đặng Văn Luân, Chủ nhiệm Nguyễn Đăng Trừng nói ông Luân là thành viên Đoàn luật sư tỉnh Thái Bình nên cuộc họp không bàn tới. Tuy nhiên, theo tin riêng của VnExpress, sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, ban chỉ đạo vụ án Năm Cam đã có ý kiến rằng việc làm của cơ quan tố tụng là vội vàng, không cần thiết.
Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hình sự lớn nhất từ trước tới nay này có 88 luật sư và 2 luật gia tham gia bào chữa và bảo vệ quyền lợi cho bị cáo cùng các đương sự. Họ thuộc 8 đoàn luật sư TP HCM, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Quảng Nam, Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng. Bộ Tư pháp đã đề nghị các đoàn trên họp rút kinh nghiệm về quan điểm bào chữa, nghiệp vụ chuyên môn, phong cách, văn hóa ứng xử tại phiên tòa, và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị, tham gia phiên tòa. Vụ phó Vụ Quản lý luật sư, ông Nguyễn Văn Tuân, cho biết: “Các đoàn có thể nêu ý kiến đóng góp với các cơ quan tố tụng trong việc tổ chức phiên tòa, cũng như đảm bảo quyền tham gia của luật sư từ giai đoạn điều tra. Chúng tôi sẽ tập hợp, phổ biến đến luật sư cả nước, và có kiến nghị lên Ban cải cách tư pháp trung ương”.
Nghĩa Nhân - Triệu Minh