Tại buổi tọa đàm về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu tổ chức ngày 9/9, các chuyên gia và đại biểu Quốc hội nhận định đây là thời điểm nước sôi lửa bỏng trong vấn đề xử lý nợ xấu. "Bài học cho thấy nếu hệ thống ngân hàng không xử lý ngay được số nợ xấu lớn, để càng chậm, càng lâu thì chi phí càng lớn, ví dụ như tín dụng không thể tăng được", Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho hay.
Trong hoàn cảnh này, bên cạnh các giải pháp như cơ cấu lại nợ, thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo, sử dụng dự phòng rủi ro, tháng 7/2013, Chính phủ đã cho thành lập Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) thực hiện mua nợ của các ngân hàng bằng trái phiếu đặc biệt, nhờ đó các khoản nợ xấu sẽ được đưa ra ngoại bảng cân đối kế toán của các tổ chức tín dụng và được tái cơ cấu.
Tuy nhiên, đến 1/9/2014, VAMC mới mua được số nợ có giá trị sổ sách khoảng 59.500 tỷ đồng, trong khi nợ xấu ước tính đến 30/6/2014 khoảng 150.000 tỷ đồng theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ 3,61% cuối năm 2013 lên 4,17% cuối tháng 6/2014.
"VAMC khó có thể giải quyết được tất cả. Chúng tôi đã tính toán để giải quyết dứt điểm nợ xấu bắt buộc cần một lượng tiền tươi thóc thật từ bên ngoài bơm vào, tính toán khoảng vài chục phần trăm GDP. Song, ngân sách thâm hụt lớn đã tạo ra sự hạn chế", tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho hay.

Tiền sĩ Trần Du lịch cho rằng cần thay đổi về quan điểm nợ xấu, nếu kéo dài mãi tình trạng "tay không bắt giặc" như hiện nay thì khó giải quyết dứt điểm.
Tiến sĩ Võ Trí Thành cũng chia sẻ chi phí xử lý nợ xấu không phải nhỏ. Ví dụ ở Thái Lan, khoản này từng chiếm 30% GDP, trong khi chi phí để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam vào cuối những năm 1990, đầu năm 2000 là 5% GDP.
"Chúng ta giải quyết nợ xấu nhưng dường như chỉ muốn được chứ không muốn mất. Phải thay đổi quan điểm, không thể tay không bắt giặc", tiến sĩ Trần Du Lịch khẳng định.
Trước vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra bốn phương án tài chính để xử lý nợ xấu. Thứ nhất, vị này cho rằng có thể dùng tiền ngân sách để bơm vào hệ thống như một số nước trên thế giới đã làm. Tuy nhiên, cách này lại khó thực hiện trong bối cảnh ngân sách Việt Nam đang thâm hụt trên 5% và nợ công cao. "Để có tiền bơm vào hệ thống ngân hàng thì thâm hụt ngân sách chỉ khoảng 4% từ nay đến năm 2020", ông nói. Ngoài ra, Chính phủ có thể dùng khoảng 5 tỷ USD (khoảng 100.000 tỷ đồng) từ nguồn thu bán các doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra mạnh từ năm 2014.
Giải pháp thứ hai là Ngân hàng Nhà nước tự xoay sở để có nguồn tiền bơm vào hệ thống. Quá trình này có thể đi liền với quốc hữu hóa tạm thời hoặc yêu cầu sáp nhập một số ngân hàng kém lành mạnh. Sau khi kinh tế phục hồi, giá tài sản tăng trở lại thì Ngân hàng Nhà nước có thể bán lại phần tài sản đã được quốc hữu hóa.
Với cách làm thứ ba, cần thay đổi mạnh mẽ các quy định pháp luật liên quan đến phát mãi, mua bán tài sản thế chấp hoặc công trình, dự án liên quan đến các khoản nợ xấu. Trao thêm những đặc quyền đặc biệt cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) để đơn vị này có thể thực hiện việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng thương mại.
Cuối cùng, ông đề cập đến giải pháp mà cả Chính phủ và người dân đều không mong muốn, đó là việc đi vay các tổ chức quốc tế và phối hợp với họ giám sát quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Song, trong bối cảnh thiếu nguồn lực mà xử lý nợ xấu lại cấp bách, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho rằng có thể trộn lẫn các phương án để có một gói tổng thể giải quyết vấn đề nợ xấu, phục hồi nền kinh tế.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia cũng nhận định nợ xấu là một khoản lỗ nên không thể bắt ngân hàng, doanh nghiệp hay ngân sách một mình chịu khoản lỗ đó mà mỗi bên phải chịu một ít. "Các bên phải cùng kết hợp tham gia, trong đó tiền từ ngân sách đóng vai trò như một khoản tiền mồi", ông Sơn nêu.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh cần tăng năng lực tài chính cho VAMC, phát triển thị trường mua bán nợ.... "Nợ xấu mấy trăm nghìn tỷ đồng, vốn của VAMC có 500 tỷ đồng thì làm sao giải quyết được", tiến sĩ Trần Du Lịch thẳng thắn. Tiến sĩ Võ Trí Thành cũng ví von cơ quan xử lý nợ xấu phải là "một chàng trai vô cùng dũng mãnh", đủ năng lực, nguồn lực, quyền lực và pháp lực.
Nhưng dù áp dụng bất cứ giải pháp nào, các chuyên gia đều đồng tình giải quyết nợ xấu không phải là việc riêng của Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại mà cần sự "chung tay góp sức" của toàn bộ nền kinh tế, đòi hỏi sự tham gia và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khác, bao gồm cả Chính phủ và Quốc hội, cùng với hệ thống doanh nghiệp nói chung...
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ tịch Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho biết thêm hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu cũng cần phải sửa. "Đến tháng 10, Quốc hội sẽ báo cáo về giám sát tối cao đối với lĩnh vực đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Chúng tôi sẽ cùng Chính phủ và các bên liên quan sẽ có đánh giá lại và tiếp tục khẩn trương trong năm 2015 đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu", ông phát biểu.
Phương Linh