Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có buổi làm việc và nghe báo cáo về mô hình "Trình diễn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học trên đồng ruộng" ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Mục tiêu của mô hình là xây dựng quy trình "sức mạnh sinh học" trên các loại cây trồng như lúa, rau màu và cây ăn trái để sản xuất ra các loại nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Mô hình này cũng tạo thói quen cho người nông dân về xu hướng sử dụng thuốc BVTV sinh học trên cây trồng, giảm lượng thuốc hóa học. Từ đó, quá trình canh tác sẽ tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng và người sản xuất, không phát thải dư lượng thuốc hóa học ra môi trường.
Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hiện nay giá vật tư nông nghiệp đang có chiều hướng tăng, trong đó có thuốc BVTV. Nếu người nông dân giữ thói quen phun thuốc như trước đây, rất dễ dẫn đến thua lỗ trong mùa vụ.
Ông Trung cho rằng người dân phải theo dõi sát sao, thăm đồng thường xuyên và cân đối các hệ sinh thái trên đồng ruộng. Nhà nông cần nắm chắc thời điểm để kết hợp sử dụng thuốc hóa học và sinh học hợp lý để đạt hiệu quả về kinh tế.
"Thuốc sinh học sẽ giúp sản phẩm đảm bảo chất lượng. Khi ký kết hợp đồng với các nước có yêu cầu cao về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, sản phẩm cũng dễ được. Người dân khi sử dụng thuốc BTVV sinh học cũng không bị ảnh hưởngsức khỏe", ông Trung nhận xét.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng thay vì chờ đến lúc có sâu bệnh mới tiến hành phun xịt, người nông dân cần có sự lựa chọn, tìm hiểu kỹ từ khâu giống, chăm sóc. Cây lúa và nhiều loại cây trồng có khả năng phục hồi, tốc độ sinh trưởng của các đối tượng sinh vật hại đến một mức nào đó sẽ tự giảm. Vì thế, người nông dân cũng cần tìm hiểu để nắm chắc giai đoạn nào không cần dùng thuốc để can thiệp, tiết kiệm chi phí canh tác.
Hiện tại, mô hình đã được triển khai cho tất cả các hộ trình diễn trong vụ đông xuân 2021-2022, giai đoạn lúa từ mạ đến chuẩn bị làm đòng.
Anh Lâm Hồng Nhu (50 tuổi, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) có 9 hecta tham gia mô hình sử dụng thuốc sinh học. Anh cho biết đã tham gia mô hình này được 8 năm, lợi ích của sử dụng thuốc sinh học là an toàn cho chính người nông dân, hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo anh Nhu, khi sử dụng thuốc BVTV sinh học sẽ không thấy hiệu quả ngay như thuốc hóa học mà phải qua một hai ngày thuốc mới có tác dụng. Những nông dân sử dụng thuốc sinh học cần dự đoán và phòng sâu bệnh từ trước để đạt hiệu quả cao.
Để khuyến khích mô hình dùng thuốc BTTV sinh học, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cũng cần tuyên truyền đúng cách. Tính hiệu quả của sử dụng thuốc BVTV sinh học có thể chưa phát huy trong vụ đầu tiên. "Tuy nhiên, cách thức này nếu dùng kéo dài sẽ mang đến hiệu quả trong các vụ sau. Khi đó người dân sẽ thấy lợi nhuận, năng suất ở những vụ sau nữa", lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật nói.
Hiện tại, nhiều đơn vị cũng đang kết hợp với nông dân các địa phương, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nhằm thúc đẩy mô hình này. Đơn cử như Công ty TNHH Thương mại Tân Thành. Ông Nguyễn Trường Thụ - Giám đốc phát triển thị trường của công ty cho biết, đơn vị đang kết hợp với nông dân ở TP Cần Thơ và các tỉnh là Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang áp dụng mô hình sản xuất lúa sử dụng thuốc BVTV sinh học. Tổng diện tích áp dụng là 150 hecta. Công ty này ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản lượng từ đầu vụ với giá cao hơn thị trường 10%.
Mô hình sử dụng toàn bộ thuốc BVTV sinh học của đơn vị được nhà nông hưởng ứng vì đảm bảo mức giá cao, an toàn sức khỏe và môi trường. Theo đại diện đơn vị, quy trình "sức mạnh sinh học" còn mang lại thành công trong việc quản lý các đối tượng dịch hại giúp năng suất ổn định và phù hợp với tất cả mùa vụ.
Hoài Phương