Lãnh đạo thành phố tự đánh giá đang ở cấp độ dịch 3, tuy nhiên do không đạt 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine, nên áp dụng cấp độ dịch là 4. Kiểm tra công tác chống dịch tại Cần Thơ ngày 1/12, Thứ trưởng Sơn đề nghị thành phố xem xét lại tỷ lệ người đã được tiêm vaccine, nếu đã phủ 80% thì hạ cấp độ dịch cho phù hợp với tình hình thực tế.
Thực tế, số ca Covid-19 tại Cần Thơ gần đây tăng cao đột biến, cơ sở y tế quá tải, F0 điều trị tại nhà. Hôm nay, Bộ Y tế ghi nhận Cần Thơ 989 ca nhiễm, ngày 30/11 là 981 ca, cao nhất trong các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Những ngày trước, số ca nhiễm thường trên 500 ca. Báo cáo của Sở Y tế Cần Thơ, từ ngày 8/7 đến nay thành phố liên tục ghi nhận các ca nhiễm cộng đồng, chiếm tỷ lệ 23,5%.
Thành phố áp dụng mô hình điều trị tháp 3 tầng, trong đó gần 300 bệnh nhân nặng đang điều trị tại các bệnh viện tầng 3; gần 10.000 F0 điều trị tại nhà (tầng 1); số ca triệu chứng vừa điều trị ở tầng 2.
Bí thư Thành ủy Lê Quang Mạnh cho biết Cần Thơ cấp phát túi thuốc A, B, C cho F0 tại nhà, trong đó thuốc kháng virus molnupiravir đã được Bộ Y tế cấp nhưng số F0 sử dụng thuốc này chưa nhiều. Cần Thơ mới được Bộ Y tế cấp 30.000 viên Avigan (kháng virus favipiravir).Thành phố kích hoạt 83 trạm y tế lưu động song lực lượng nhân sự rất mỏng, thành lập thêm 62 trạm với sự trợ giúp nhân sự của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Thành phố có 13 cơ sở xét nghiệm, công suất tối đa hơn 8.200 mẫu đơn/ngày.
"Trong những ngày qua, số ca nhiễm mới tăng nhiều, số ca cần cấp cứu có xu hướng tăng. Cần Thơ cần Bộ Y tế hỗ trợ trong điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng", ông Mạnh nói.
Giới chức Cần Thơ cho rằng thành phố tăng ca nhiễm do là trung tâm miền Tây, lưu lượng người ra vào làm ăn, buôn bán mỗi ngày rất đông sau nới lỏng giãn cách. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất không còn thực hiện phương án "3 tại chỗ", người lao động đi làm về nhà tiếp xúc nhiều người trong cộng đồng, khu dân cư nên nguy cơ nhiễm bệnh cao. Một bộ phận người dân có tâm lý lơ là, chủ quan.
"Số lượng ca mắc mới tại Cần Thơ trong thời gian gần đây là mối quan ngại lớn của Chính phủ và ngành y tế, song việc tăng ca nhiễm đã được tiên liệu trước", Thứ trưởng Sơn nói. Khi đã tiến hành bao phủ vaccine với tỷ lệ cao và có thuốc đặc trị, ông Sơn đề nghị thành phố tập trung giảm tỷ lệ bệnh nhân nhập viện, số ca trở nặng và tử vong.
Ông đánh giá Cần Thơ đang có hệ thống điều trị tầng 3 khá tốt bao gồm một số bệnh viện, nên áp dụng mô hình bệnh viện "chị - em" để chuyển tuyến hợp lý, tức bệnh viện tầng trên với các bệnh viện tầng dưới kết nối để thường xuyên hội chẩn, phối hợp điều trị bệnh nhân. Mô hình này TP HCM đã áp dụng trong giai đoạn dịch căng thẳng nhất vừa qua, cho thấy rất hiệu quả khi theo dõi và chuyển bệnh nhân kịp thời, giúp giảm tỷ lệ nặng và tử vong.
Khi địa phương đã bao phủ hai mũi vaccine, thì không xét nghiệm nhiều lần mà phải hợp lý, hiệu quả, khoa học, tiết kiệm chi phí, theo thứ trưởng. Tăng cường giám sát dịch tại các địa bàn, khu vực tụ tập đông người, đầu mối giao thông, doanh nghiệp, nhà máy để phát hiện sớm F0 và tách khỏi cộng đồng.