Quyết định cách ly xã hội thêm 2 tuần được chính quyền TP Cần Thơ đưa ra khi đã nhận 3.837 trường hợp dương tính nCoV. Trong đó, 2.211 bệnh nhân được điều trị khỏi, 65 ca tử vong. Trong 37 ngày áp dụng Chỉ thị 16, thành phố này đã ghi nhận 3.754 ca nhiễm. Đây là lần thứ tư Cần Thơ kéo dài giãn cách kể từ ngày 19/7.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường xác định những ngày tới, việc phòng chống dịch lấy phường xã, thị trấn là "pháo đài", người dân là chiến sĩ. Hơn 1,2 triệu dân thành phố được yêu cầu "ở yên trong nhà"; hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người với người để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Mỗi hộ gia đình chỉ cử một người ra khỏi nơi ở để mua, nhận lương thực, thực phẩm thiết yếu từ 8 đến 17h hàng ngày và không quá hai ngày mỗi tuần.
Cán bộ, công chức, viên chức người lao động chỉ được di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại trong khoảng thời gian 6-8h và 17-19h.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, mua bán hàng hoá thiết yếu phải tổ chức xét nghiệm Covid-19 định kỳ cho người lao động ít nhất ba ngày một lần; bố trí nhân sự làm việc theo ca luân phiên; khuyến khích áp dụng phương thức "3 tại chỗ".
Sở Y tế được yêu cầu tăng tốc độ xét nghiệm khẳng định PCR và thông báo kết quả trong 24 tiếng để bóc tách các F0 khỏi cộng đồng; đồng thời tổ chức sàng lọc, phân loại người nhiễm nCoV theo tình trạng, diễn biến bệnh lý để có biện pháp theo dõi, chăm sóc, điều trị hiệu quả; hạn chế tối đa ca tử vong...
Ngành công thương phối hợp cùng các quận, huyện cùng các đơn vị liên quan đảm bảo đầy đủ, kịp thời lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân. Sở Giao thông Vận tải phối hợp với công an kiểm soát chặt chẽ các xe chở hàng hóa ra vào thành phố; không để tài xế và người đi cùng mang nguồn bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào...
Cần Thơ có trên 900.000 người đủ điều kiện tiêm vaccine Covid-19, chiếm 75% dân số. Đến ngày 24/8, 253.053 người đã được tiêm, trong đó 8.975 trường hợp được tiêm đủ 2 mũi.
Ở tỉnh giáp ranh, An Giang đã ghi nhận gần 1.500 ca nhiễm. Trước tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, UBND tỉnh này cũng kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 5/9 đối với 7 huyện, thành phố gồm: Long Xuyên, Châu Đốc, Châu Thành, Châu Phú, An Phú, Chợ Mới và Thoại Sơn. 4 địa phương còn lại là các huyện Phú Tân, Tri Tôn, Tịnh Biên và thị xã Tân Châu thực hiện Chỉ thị 15.
Vĩnh Long, Đồng Tháp cũng tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 đến ngày 4 và 5/9. Còn UBND Kiên Giang áp dụng biện pháp tương tự trên phạm vi toàn tỉnh đến hết ngày 1/9. Trước đó, Bạc Liêu và Cà Mau quay lại thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 23 và 24/8, sau 3 tiếng và 2 ngày hạ xuống Chỉ thị 15.
Ở Nam Trung Bộ, Bình Thuận yêu cầu người dân TP Phan Thiết không được ra đường từ 18h đến 6h hôm sau, kể từ ngày 24/8. Các địa phương cần tổ chức tuần tra, xử phạt nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Theo đó, từ khung giờ trên tất cả người dân không ra khỏi nhà, trừ các trường hợp: cấp cứu, cứu hỏa; lực lượng phòng, chống dịch, cơ yếu; lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự; phóng viên, biên tập viên cơ quan báo đài; công nhân vệ sinh môi trường đô thị, xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật; xe chở hàng hóa thiết yếu; các tiểu thương chợ đầu mối (theo danh sách địa phương cho phép); xe chở vật liệu xây dựng cho các công trình lớn (được cho phép).
Phan Thiết đang trải qua tuần thứ tư thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhưng vẫn xuất hiện các ca mắc mới trong cộng đồng. Qua truy vết, cơ quan y tế xác định có sự tiếp xúc giữa người dân phường này với phường khác.
Bình Thuận đã ghi nhận 1.822 ca mắc Covid-19. Trong đó, thị xã La Gi dẫn đầu với 1.303 ca, tiếp đến thành phố Phan Thiết với 301 ca. Riêng La Gi có gần 6 tuần áp dụng Chỉ thị 16, nhưng việc bóc tách F0 trong cộng đồng còn chậm. Do vậy lãnh đạo tỉnh yêu cầu địa phương này tiếp tục lên phương án phòng chống dịch với biện pháp cao hơn, nghiêm khắc hơn.
Cửu Long - Việt Quốc