Chưa ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng, song trước tình hình dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam đang phức tạp, từ 0h ngày 30/5, Cần Thơ lập 7 chốt kiểm soát phòng, chống Covid-19 tại các tuyến giao thông đầu mối, cửa ngõ ra vào thành phố này.

Kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế tài xế tại chốt trên đường dẫn cầu Cần Thơ, trưa 30/5. Ảnh: Cửu Long
Lực lượng làm nhiệm vụ gồm y tế, công an, thanh tra giao thông, đoàn thanh niên... Tất cả người trên các xe đều phải đo thân nhiệt, kiểm tra khai báo y tế (điện tử hoặc trên giấy), cung cấp thông tin nơi đi, nơi đến... Những người về từ vùng dịch (theo thông báo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật) hoặc có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh sẽ được lượng y tế tổ chức test nhanh.
Tại hai chốt trên đường dẫn cầu Cần Thơ, kiểm soát xe từ hướng TP HCM về trung tâm thành phố, trưa nay ôtô xếp hàng dài chờ tới lượt kiểm tra. Ông Nguyễn Văn Đậm, tài xế xe tải chở hàng tuyến Cần Thơ - TP HCM cho biết, ông khai báo y tế, lịch trình di chuyển rõ ràng nên kiểm tra khá nhanh, chỉ mất gần 10 phút chờ.

Chốt kiểm tra người đi xe máy tại cửa ngõ vào TP Cần Thơ ở quận Cái Răng. Ảnh: Cửu Long
Ba chốt khác được bố trí tại quốc lộ 91 (đoạn qua quận Thốt Nốt), lối rẽ từ tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi vào tuyến Bốn Tổng Một Ngàn (huyện Vĩnh Thạnh) và bến phà Ô Môn - Phong Hòa (vượt sông Hậu nối Đồng Tháp và Cần Thơ), để kiểm tra người từ các tỉnh biên giới Tây Nam (Kiên Giang, An Giang và Đồng Tháp) vào thành phố. Chốt còn lại đặt tại bến xe khách trung tâm.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP Cần Thơ yêu cầu thực hiện nghiêm việc không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện, trường học và không tập trung quá 10 người tại đám cưới, đám hiếu, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung...
Đến chiều cùng ngày, Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ quyết định từ 0h ngày 31/5, dừng hoạt động xe cố định, xe hợp đồng, xe taxi, xe du lịch đi đến 31 tỉnh, thành, trong đó có TP HCM, Long An, Bạc Liêu, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... Riêng đi đến các địa phương khác, các xe chở không quá 50% số ghế và không quá 20 người.

Các ôtô chờ kiểm tra phòng chống Covid-19 tại đường dẫn cầu Cần Thơ, trưa 30/5. Ảnh: Cửu Long
Giáp Bình Dương và cách TP HCM hơn 100 km, Bình Phước đã cho lập 3 chốt kiểm soát trên quốc lộ 13, 14 và ĐT 741 từ tối 29/5 nhằm sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tất cả người từ nơi khác đến tỉnh này.
Từ 0h ngày 30/5, các tuyến xe khách cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt đi và đến tỉnh Bình Phước phải dừng hoạt động. Đối với ôtô khách đi qua tỉnh không được dừng để đón, trả khách.
Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu hạn chế tối đa xe cá nhân từ địa phương đến các vùng có dịch, trừ trường hợp cấp thiết như xe công vụ, xe chở lương thực thực phẩm, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của doanh nghiệp, chở nguyên vật liệu sản xuất...
Trước đó, Bình Phước yêu cầu cán bộ công chức ra khỏi tỉnh phải báo, khuyến cáo người dân không được đến TP HCM và các tỉnh xuất hiện dịch. Từ đầu tháng, các dịch vụ không cần thiết cũng yêu cầu ngưng hoạt động như: karaoke, bar, vũ trường, massage, spa, phẫu thuật thẩm mỹ, rạp chiếu phim, tiệm Internet, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em, hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Những dịch vụ khác được hoạt động nhưng phải ký cam kết không sử dụng máy lạnh trong phòng kín.

Nhân viên y tế tỉnh Bình Phước lấy mẫu xét nghiệm tại chốt trên đường ĐT741, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, rạng sáng 30/5. Ảnh: Văn Trăm
Chiều 30/5, UBND Đồng Nai yêu cầu dừng hoạt động các xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt đi đến TP HCM, Hà Nội, Long An, Bắc Giang, Bắc Ninh và các tỉnh, thành đang có dịch. Ngoại ra, để phòng chống Covid-19, tỉnh này cũng yêu cầu ngưng thêm một số hoạt động như: nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, các hoạt động ở phố đi bộ, công viên... Tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị người dân hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết.
Để phòng chống Covid-19, trước đó các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Tiền Giang, Long An cũng dừng xe khách đến Sài Gòn. Đến sáng nay, sau bốn ngày, TP HCM đã ghi nhận 133 ca, trong đó, chuỗi lây nhiễm liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục hưng là chuỗi lớn nhất với 126 ca nhiễm. Trưa nay, Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố hai tuần, từ 0h ngày 31/5.
Ngoài TP HCM, Long An (3 ca), Tây Ninh (một ca), Bạc Liêu (một ca) đã ghi nhận ca bệnh liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục hưng.
Bộ Y tế trưa 30/5 ghi nhận 56 ca dương tính trong nước, nâng tổng số ca nhiễm từ ngày 27/4 đến nay là 3.893 ca, ở 34 tỉnh thành.
Cửu Long - Văn Trăm - Phước Tuấn