Ngày 8/2 (29 Tết), sà lan dài 60 m, ngang 16m được đưa từ tỉnh Vĩnh Long đến cập cảng tại khu đô thị Nam Cần Thơ, quận Cái Răng, cách bến Ninh Kiều khoảng 2 km. Tại đây khoảng 90 cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự TP Cần Thơ đưa 1.000 quả pháo hoa tầm cao (nhiều chủng loại, màu sắc) xuống sà lan lắp đặt, chuẩn bị phục vụ đón giao thừa Tết Nguyên đán 2024.
Chiều 30 Tết, sà lan sẽ được đưa đến khu vực ngã ba sông Cần Thơ và sông Hậu, cách nhà hàng Hoa Sứ 300 m, thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều. Một tàu kéo công suất 3600 CV có trang bị vòi rồng được huy động để hỗ trợ phòng cháy chữa cháy đi cùng sà lan.
Chương trình bắn pháo hoa tầm cao sẽ diễn ra trên sông kéo dài 15 phút, bắt đầu từ 0h ngày 10/2 (thời khắc giao thừa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024). Đây là lần đầu tiên Cần Thơ bắn pháo hoa tầm cao đón giao thừa trên sà lan đậu giữa sông.
Ngoài ra giao thừa năm nay, Cần Thơ có 4 điểm bắn pháo hoa tầm thấp, lúc 22h tại quận Thốt Nốt và các huyện Phong Điền, Thới Lai, huyện Cờ Đỏ. Kinh phí bắn pháo hoa từ nguồn xã hội hóa của thành phố.
Cần Thơ là đô thị lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 1,2 triệu dân. Giai đoạn 2015-2020, địa phương đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân 7,53% mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 97,2 triệu đồng (tương đương 4.136 USD); kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ đạt trên 11 tỷ USD (tăng bình quân 19,75% mỗi năm).
Giai đoạn 2020-2025, Cần Thơ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) 7,5-8% mỗi năm. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 145-160 triệu đồng, tương đương từ 6.200-6.800 USD. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 giảm còn dưới 0,5%.
An Bình