Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt bản đồ "đường lưỡi bò" trong những sản phẩm, ấn phẩm khác nhau bị phát hiện lọt vào Việt Nam. Chiều 4/11, Tổng cục Hải quan ra quyết định tịch thu xe ôtô Volkswagen triển lãm tại TP HCM, có cài đặt phần mềm dẫn đường sử dụng bản đồ "đường lưỡi bò". Trước đó, phim Người tuyết bé nhỏ có hình ảnh "đường lưỡi bò" đã bị cơ quan duyệt phim bỏ sót và được chiếu tại các rạp phim trên cả nước. Hình ảnh bản đồ "đường lưỡi bò" còn xuất hiện trong tài liệu giới thiệu của hãng lữ hành Saigontourist hay gần đây nhất là trong giáo trình dạy tiếng Trung Quốc của Đại học Kinh doanh & Công nghệ.
Trả lời VnExpress bên hành lang Quốc hội sau những vụ việc này, thiếu tướng Nguyễn Minh Đức (Ủy ban Quốc phòng An ninh) cho rằng "tất cả các sản phẩm có bản đồ đường lưỡi bò trường hợp cần vẫn phải tiêu huỷ". Ông Đức cũng phê phán thái độ vô trách nhiệm của những người kiểm duyệt khi để lọt các sản phẩm này vào Việt Nam.
"Có trường hợp khi bị phát hiện, người trong hội đồng kiểm duyệt nói "Đây chỉ là tiểu tiết". Đó là câu nói vô trách nhiệm", ông Đức nói và khẳng định đó là trọng trách không thể lơ là của cán bộ, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa.
"Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin Truyền thông và các cơ quan chức năng phối hợp với nhau tổng rà soát các đơn vị quản lý, sản xuất, nhập khẩu ấn bản phẩm, kể cả lục lọi trong thư viện, trong kho... xem có sơ suất nào không để xử lý kịp thời", thiếu tướng Nguyễn Minh Đức nói.
Theo ông Đức, để xảy ra sự việc nói trên là do lỗ hổng trong thanh tra, kiểm tra, giám sát và Chính phủ cần có những quy định buộc các cơ quan liên quan phải phối hợp với nhau, như giao cho cơ quan này kiểm soát thì cơ quan khác giám sát và ngược lại. Ông nhận định, có trường hợp có thể vô tình nhưng có thể hữu ý, nhưng để bản đồ "đường lưỡi bò" lưu hành trong sách giáo khoa thì chắc chắn phải xem xét có cố ý hay không?
Cơ quan chức năng phải vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của từng người, đặc biệt là những người có chức năng quản lý trong lĩnh vực đó, như lãnh đạo trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh cũng nhận xét, việc chậm xử lý hay ngăn chặn những hình ảnh, sản phẩm vi phạm chủ quyền quốc gia vừa qua cho thấy sự lúng túng, thiếu cảnh giác, thiếu nhạy cảm trong nghiệp vụ của các cán bộ, cơ quan quản lý trước những vấn đề liên quan tới quốc phòng, an ninh quốc gia. "Những gì vi phạm chủ quyền quốc gia là không thể chấp nhận được", Thiếu tướng Hồng nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Cường – Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách nêu ý kiến: "Những hàng hóa vi phạm về chính trị, chủ quyền lãnh thổ của chúng ta, cần cương quyết thu hồi hoặc huỷ bỏ. Chúng ta cần đưa ra biện pháp cứng rắn trong xử lý với những trường hợp như vậy thì mới ngăn được kẻ xấu lợi dụng quan hệ thương mại, ngoại giao văn hóa... lồng yếu tố xuyên tạc về chủ quyền, lãnh thổ đất nước".
Cùng quan điểm, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Ban dân nguyện cũng nói phải truy trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan khi để lọt sản phẩm này vào Việt Nam. "Lỗi của ai, trách nhiệm đến đâu xử lý đến đấy", ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Cho rằng, hệ thống pháp luật đang có khoảng trống trước những phát sinh mới, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần kịp thời có hướng dẫn, bổ sung các quy định pháp lý để ngăn chặn tái diễn các hành vi vi phạm chủ quyền quốc gia.
Theo thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, ngành hải quan, đăng kiểm, quản lý xuất nhập khẩu, giáo dục... cần tăng cường biện pháp nghiệp vụ để sàng lọc những hành vi vi phạm tinh vi này. "Việt Nam hội nhập, chúng ta tạo thuận lợi phát triển kinh tế nhưng nguyên tắc tối thượng là phải đảm bảo chủ quyền quốc gia, lãnh thổ", ông Hồng nhấn mạnh.
Theo thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, truyền thống của Việt Nam là trong các phòng học, phòng làm việc thường có bản đồ Việt Nam. Thông qua bản đồ, mỗi người được giáo dục rằng tổ quốc có hình chữ S và mỗi tấc đất là một tấc vàng. Đó là hình ảnh trực quan, sinh động "đập" vào trong trí nhớ của mỗi người hàng ngày mà không cần tuyên truyền nhiều. Hiện nay, chương trình tặng cờ tổ quốc cho tất cả ngư dân vươn khơi bám biển cũng nhằm khẳng định tàu thuyền của ta đánh bắt ở đâu thì đó là lãnh thổ, chủ quyền của Việt Nam.
"Trên mọi phương diện chúng ta phải tính toán để mọi người dân hiểu được đâu là lãnh thổ Việt Nam, đâu là lãnh thổ nước bạn, để vừa bảo vệ chủ quyền, vừa tôn trọng chủ quyền nước bạn", ông nói.
Nguyễn Hoài - Hoàng Thuỳ