Ông Phan Trung Lý. Ảnh: TTXVN. |
- Thời gian qua, một số toà án địa phương bị tác động khi xét xử các vụ án tham nhũng. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Hiến pháp và pháp luật đã quy định rõ, thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập trong công tác xét xử và chỉ xử theo pháp luật, không chấp nhận sự can thiệp. Tổ chức, cá nhân nào can thiệp vào quá trình xét xử vi phạm pháp luật và không thể chấp nhận được. Vụ án Đồ Sơn vừa qua là một điển hình, lãnh đạo địa phương chỉ đạo không đúng quy định trở thành can thiệp bất hợp pháp vào công tác xét xử. Vụ án này cũng là điển hình của sự yếu kém của những người tham gia xét xử.
- Nhưng thưa ông, có ý kiến cho rằng, toà án tỉnh, thành rất khó xét xử khi thành uỷ, UBND địa phương gợi ý nên làm thế này, thế kia. Ông nghĩ gì về ý kiến trên?
- Với các trường hợp có can thiệp ví dụ như vụ án Đồ Sơn, trách nhiệm thuộc về cả hai bên, tuy nhiên trước hết là trách nhiệm của thẩm phán phiên toà sơ thẩm bởi theo quy định họ chỉ tuân theo pháp luật.
Khi có lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức, anh có thể phát biểu ý kiến và bằng lý lẽ thuyết phục lãnh đạo địa phương. Ngoài ra, thẩm phán đó còn có quyền phản đối những can thiệp vô lý bởi theo quy định toà án hoàn toàn độc lập. Anh không thể nói do chỗ này can thiệp, chỗ kia can thiệp mà anh xử sai.
- Vậy theo quy định hiện hành, việc xử lý với những người tham gia xét xử tại phiên toà Đồ Sơn như thế nào?
- Bản án sơ thẩm bị huỷ để xét xử lại, điều đó thể hiện rõ nhất trách nhiệm của thẩm phán. Đối với những cơ quan tố tụng khác cũng phải rút kinh nghiệm và xử lý. Tuy nhiên, không chỉ riêng thẩm phán mà cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương có can thiệp cũng phải rút kinh nghiệm. Cấp uỷ Đảng và chính quyền phải hoạt động theo hiến pháp, pháp luật không thể can thiệp thô bạo vào công tác xét xử.
- Là cơ quan qiám sát hoạt động pháp luật, theo ông, cần phải xử lý những lãnh đạo địa phương can thiệp vào công tác xét xử như thế nào?
- Theo quy định, về chính quyền có thể xử lý kỷ luật hành chính, về mặt Đảng có kỷ luật Đảng. Nếu can thiệp trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng có thể xem xét xử lý hình sự. Tôi cho rằng, các quy định hiện hành về vấn đề này tương đối rõ. Vấn đề hiện nay là phải làm rõ là can thiệp ở mức độ nào, hậu quả ra sao để từ đó áp dụng mức xử lý phù hợp.
- Qua quá trình giám sát công tác xét xử tại địa phương thời gian qua, Ủy ban Pháp luật có nhận được bao nhiêu phản ánh của các toà về việc họ bị tác động, can thiệp khi xét xử các vị án tham nhũng?
- Báo cáo chính thức của các toà án bị tác động trong quá trình xét xử thì không có. Những tác động này chỉ được thể hiện qua các bản án có sai sót, khi đó cơ quan chức năng vào cuộc tìm ra nguyên nhân và làm rõ có sự can thiệp, tác động hay không.
Ngày trước, chúng ta hay nói tới tình trạng chỉ đạo án hay còn gọi là "án bỏ túi", nhưng với lộ trình cải cách tư pháp, các trường hợp đó ngày càng ít. Thỉnh thoảng cũng có một số vụ chính quyền can thiệp như vụ Đồ Sơn thì đã được phơi bày trên công luận.
- Là người công tác nhiều năm trong ngành pháp luật, ông có nghe bạn bè, đồng nghiệp than phiền về việc họ gặp khó khăn khi xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng?
- Tất nhiên, đây đó vẫn có những phản ánh. Quy định của pháp luật hiện nay những vấn đề liên quan đến phòng chống tham nhũng khá chặt chẽ. Hướng của chúng ta là để cho những người muốn tác động cũng không tác động được và cũng không dám tác động. Theo tôi, phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nguyên tắc độc lập của toà án.
"Các vụ việc tham nhũng xảy ra ở các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua vẫn còn nhiều, nghiêm trọng. Nhưng số vụ việc do cơ quan này tự kiểm tra, phát hiện là không đáng kể mà chủ yếu do quần chúng nhân dân, báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng khác phát hiện. Việc xử lý các vụ việc tham nhũng nhìn chung chưa nghiêm, còn biểu hiện nương nhẹ, thậm chí còn có sự can thiệp trái pháp luật vào quá trình xét xử, xử lý các vụ việc tham nhũng như vụ vi phạm pháp luật về đất đai ở thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng". (Nguồn: Báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng) |
Việt Anh thực hiện