Ngày 21/2, tại Bình Thuận, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị về tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long.
Tại hội nghị, các tỉnh trồng thanh long kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ ngành đàm phán với phía Trung Quốc sớm thông quan cửa khẩu; hỗ trợ địa phương xúc tiến xuất khẩu qua các thị trường bằng hình thức chính ngạch, mời gọi các tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm từ trái thanh long...
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong đề xuất đưa thanh long vào nhóm cây chủ lực quốc gia, từ đó có chiến lược, chính sách phát triển bền vững cũng như quảng bá; đồng thời xây dựng chiến lược đánh giá tiềm năng, nhu cầu tiêu thụ cơ sở nghiên cứu, đảm bảo nguyên tắc cung cầu để các địa phương có cơ sở quy hoạch phát triển cây trồng lợi thế này.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, để phát triển bền vững, các địa phương cần phải tổ chức lại sản xuất thanh long bắt đầu từ cấp xã, theo hướng hiểu rõ về sản xuất đến nắm rõ nhu cầu thị trường, đối tác và đối tượng cạnh tranh. Theo ông Hoan, lâu nay, ngành nông nghiệp làm chủ được sản xuất, nhưng thị trường thì không, nên cần phải chuyển từ tiếp cận một đầu sau tiếp cận hai đầu, cả sản xuất lẫn thị trường.
"Chúng ta phải thay đổi tư duy từ người nông dân, từ vùng nguyên liệu sản xuất thanh long, còn họ không hợp tác với nhau, mỗi ông trồng một kiểu thì không được", ông Hoan nhấn mạnh.
Ông cho rằng mỗi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi sẽ càng khó khăn hơn nữa, trong bối cảnh các nước xung quanh đã trồng thanh long rất nhiều.
Theo Cục trồng trọt, hiện cả nước có hơn 64.700 ha thanh long, sản lượng gần 1,4 triệu tấn một năm. Loại nông sản này được trồng tập trung ở ba tỉnh: Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Trong đó, Bình Thuận dẫn đầu với diện tích hơn 33.500 ha, sản lượng 700.000 tấn một năm. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ thanh long đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Tại Bình Thuận, thanh long là cây trồng chủ lực, tổng doanh thu bình quân đạt 350-400 triệu đồng 1 ha một năm, lợi nhuận bình quân khoảng 150-170 triệu đồng 1 ha mỗi năm.
Những năm qua, sản xuất thanh long đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh này với hơn 30.000 hộ nông dân sản xuất, thu mua, sơ chế xuất khẩu; hàng năm tạo việc làm thường xuyên cho 70.000-80.000 lao động.
Với sản lượng gần 700.000 tấn một năm, thanh long Bình Thuận hiện được tiêu thụ trong nước khoảng 15% và khoảng 85% xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu chính ngạch chỉ chiếm 2-3%, còn phần lớn được mua bán theo hình thức biên mậu (tiểu ngạch) qua thị trường Trung Quốc hoặc liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để trực tiếp xuất khẩu.
Nhưng hiện giá thu mua thanh long giảm sâu do các doanh nghiệp thu mua cầm chừng, giá thanh long ruột trắng tại vườn chỉ khoảng 3.000-5.000 đồng/kg.
Tại hai tỉnh Tiền Giang và Long An, tình hình cũng khó khăn tương tự như ở Bình Thuận, bởi trái thanh long cũng phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc (hơn 90% lượng xuất khẩu). Mỗi khi phía Trung Quốc siết chặt cửa khẩu thì việc sản xuất của nhà nông bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hàng hóa ứ đọng, giá rớt thảm.
Việt Quốc