From: Do Nam Hai
To: kinhdoanh@vnexpress.net
Sent: Tuesday, July 20, 2004 6:15 PM
Subject: CAN THAY DOI CACH GIAO HAN NGACH DET MAY SANG HOA KY
Chính vì lẽ đó tôi ủng hộ ý tưởng của Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển về đổi mới cách thức phân bổ hạn ngạch hàng dệt may sang Hoa Kỳ năm 2005.
Rõ ràng, tình hình đối với ngành may sẽ có sự thay đổi rất lớn lao bắt đầu từ 1/1/2005 khi Hiệp định ATC hết hiệu lực. Từ 31/12/2004 trở về trước khách hàng đến thị trường Việt Nam là bởi vì:
1. Khai thác bàn tay khéo léo và tính cần cù của người Việt Nam để làm ra các sản phẩm có chất lượng cao.
2. Phân tán thị trường các nhà cung cấp nhằm đảm bảo tính ổn định và cạnh tranh. Yếu tố này đối với Việt Nam cũng chưa thực sự chắc chắn bởi lẽ Việt Nam chưa phải là một nhà cung cấp hàng dệt may thực thụ, nguyên phụ liệu phần lớn vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và như vậy Việt Nam cũng chưa thực sự được các nhà nhập khẩu coi trọng đặt mua hàng trực tiếp mà vẫn phải qua trung gian của các nước này. Như vậy số phận của các nhà sản xuất may Việt Nam là phụ thuộc vào việc các nhà trung gian đem hàng đặt sản xuất ở đâu. Một điều hiển nhiên là nơi nào thuận lợi thì họ sẽ đem tới đó đặt hàng.
3. Mặt bằng về giá nhân công và các chi phí khác ở mức chấp nhận được. Việt Nam có giá nhân công thấp hơn Trung Quốc nhưng chi phí mua nguyên phụ liệu và chi phí chuyên gia kỹ thuật lại cao hơn. Tổng hợp lại là chi phí mua hàng được coi là có thể chấp nhận được chứ không thực sự là có sức hấp dẫn cao.
4. Phí hạn ngạch thấp: Chi phí hạn ngạch ở Trung Quốc cao gấp từ 2 đến 3 lần thậm chí có loại đến 5 lần so với chi phí hạn ngạch ở Việt Nam. Đây là một yếu tố rất hấp dẫn để khách chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
5. Khách đến thị trường Việt Nam còn vì một mục tiêu nhất thời là giải quyết sự bức bách về hạn ngạch ở các nước khác đặc biệt là Trung Quốc. Chính vì lẽ đó mà ngay sau khi Hiệp định BTA có hiệu lực thì khách hàng từ các nước Trung Quốc, Hong Kong ồ ạt kéo vào Việt Nam tranh thủ khai thác nguồn hạn ngạch của chúng ta. Nhiều thương gia đem sản phẩm dở dang vào Việt Nam thực hiện gia công một vài công đoạn để rồi lấy chỉ tiêu hạn ngạch của Việt Nam để xuất khẩu. Những hoạt động đó đã tạo ra một một sự nóng giả tạo về hạn ngạch. Điều này được minh chứng khi Bộ Thương mại cùng Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiểm soát chặt chẽ hoạt động này thì tình hình hạn ngạch đã không còn nóng sốt nữa.
Kể từ sau 1/1/2005 thời thế sẽ có sự thay đổi. Lợi thế về sự khéo léo đem lại chất lượng sản phẩm cao, lợi thế về việc được xác định là một thị trường cung cấp nằm trong chiến lược của các nhà nhập khẩu có thể còn được duy trì nhưng các lợi thế về chi phí sản xuất, chi phí hạn ngạch và đặc biệt là mục tiêu đến với thị trường Việt Nam chỉ vì mục đích giải toả bức bách về hạn ngạch sẽ không còn. Trong khi đó Trung Quốc còn cả một miền tây chưa khai phá, tự họ làm ra được nguyên phụ liệu, tự họ chế tạo được thiết bị giá rẻ, nhân công của họ cũng rất dồi dào và làm việc hết sức tích cực từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối liên tục không kêu ca. Đã thế khi ký hợp đồng mua hàng ở các nước thuộc WTO các nhà nhập khẩu không còn phải lo lắng về việc có hay không hạn ngạch nhập khẩu như ở Việt Nam , hàng hoá nhập cảng sẽ được giải phóng nhanh hơn v.v... Những lợi thế của nước khác chắc chắn đe doạ tới vị thế của ngành dệt may Việt Nam. Khi đó hạn ngạch không còn là cái bảo bối để câu khách hàng về với mình.
Từ việc mất đi một số lợi thế nêu trên có thể nhận thấy rằng sẽ có một số khách hàng rút khỏi Việt Nam và chuyển hướng sang Trung Quốc. Có lẽ trong chúng ta còn nhớ bài học về thị trường Canada, khi họ bỏ hạn ngạch Áo Sơ mi nam thì cũng là lúc các đơn hàng loại này rời khỏi Việt Nam và trở về với Trung Quốc, Khi Đông Âu mở cửa thị trường vào những năm đầu 90 thì cũng là lúc hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường này và đánh bật Việt Nam ra khỏi danh sách các nhà cung cấp.
Đứng trước một sự thay đổi lớn lao sẽ xảy ra và dự báo được, không lẽ nào chúng ta lại đi dùng phương thức cũ để đối phó với tình hình mới? Bởi vậy theo tôi cần phải thay đổi cách thức giao hạn ngạch phù hợp với sự thay đổi này? Ý tưởng của ông Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển muốn tập trung hạn ngạch vào một số doanh nghiệp lớn nhằm tránh sự phân tán hạn ngạch để giữ chân khách hàng ở lại Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn. Hàng xuất sang Hoa Kỳ phần đông là các nhãn hiệu có tên tuổi và luôn đặt hàng với sản lượng lớn, họ muốn một phần hàng hoá được sản xuất tại Việt Nam nhưng phải biết chắc rằng kế hoạch cung ứng có ổn định hay không. Một sự phân tán về hạn ngạch không cho phép một doanh nghiệp Việt Nam nào có thể cam kết đáp ứng được nhu cầu này của khách hàng. Một tình trạng như vậy nếu không rời bỏ Việt Nam thì khách hàng cũng sẽ chỉ đặt sản xuất tại Việt Nam một sản lượng nào đó đủ độ an toàn cho phép.
Tuy vậy cách thức giao hạn ngạch cho doanh nghiệp “lớn” “nhỏ” có thể còn chứa đựng điều gì đó chưa ổn cho nên đã gặp phải sự không đồng tình của nhiều doanh nghiệp trên khắp 3 miền Bắc Trung Nam.
Điều thứ nhất là giao cho lớn thì nhỏ không có, thế yếu sẽ thuộc về nhỏ điều đó là bất bình đẳng. Điều thứ hai cái bánh hạn ngạch là của chung và cơ hội phải được dành cho mọi người, nếu chỉ giao cho một số ít thì nguy cơ tạo ra đặc quyền đặc lợi là điều có thể xảy ra. Điều thứ ba liên quan đến việc xác định thế nào là “lớn” thế nào là “nhỏ” cũng hết sức nan giải và dễ gây ra nhiều tranh cãi không có hồi kết. Như vậy thì không biết đến bao giờ mới đưa ra được cách thức giao hạn ngạch.
Để khắc phục những điều còn bất ổn nêu trên. Tôi đề xuất phương án giao hạn ngạch như sau:
Bộ Thương mại thực hiện việc thả nổi hạn ngạch nhưng khác với cách thức trước đây đã từng áp dụng, đó là Thả nổi có thời hạn và có điều kiện.
- Về thời hạn: Thả nổi trong vòng 5 hoặc 6 tháng đầu năm có cho phép dự trữ 1 tháng cho những đơn hàng bị trễ nguyên phụ liệu. Trường hợp có nguy cơ thiếu hạn ngạch: Số hạn ngạch còn lại của 6 tháng cuối năm sẽ được giao theo thành tích đã thực hiện 6 tháng đầu năm. Trường hợp xét thấy khả năng không thiếu hạn ngạch thì tiếp tục thả nổi nhưng có cảnh báo và kiểm soát theo từng tháng. Hoặc cứ phân theo thành tích 6 tháng đầu năm. Nếu doanh nghiệp tự xét thấy không dùng hết thì trả lại cho Bộ Thương mại hoặc ký đơn hàng cho doanh nghiệp khác sản xuất.
- Về điều kiện: Các hợp đồng khi ký với khách hàng đều phải ghi rõ khả năng đảm bảo về hạn ngạch trong hai khoảng thời gian : thời kỳ thả nổi và thời kỳ phân giao. Điều kiện này nhằm mục đích làm cho doanh nghiệp và khách hàng phải tự chịu trách nhiệm về tính toán của mình mà không được đẩy trách nhiệm sang Bộ Thương mại khi thiếu hụt hạn ngạch vào thời điểm cuối năm.
Đối với hạn ngạch thuộc cat nóng thì số lượng sản phẩm bình quân tháng ký kết không được vượt quá năng lực chuẩn của doanh nghiệp tính theo năng suất do Hiệp hội Dệt may đề xuất cho từng loại sản phẩm: Năng lực chuẩn = số thiết bị * năng suất sản phẩm ngày trên đầu thiết bị* 26 ngày.
Bộ Thương mại sẽ phối hợp cùng Bộ Công nghiệp, Hiệp hội Dệt may hoặc thuê cơ quan trung gian kiểm tra năng lực thực tế của mỗi doanh nghiệp vào bất cứ thời điểm nào. Doanh nghiệp nào khai man số lượng thiết bị sẽ bị xử phạt nặng.
Doanh nghiệp chấp nhận công khai về số lượng thiết bị và lao động để cho các doanh nghiệp kiểm soát lẫn nhau.
Một cách thức giao hạn ngạch như vậy đáp ứng được các yếu tố:
1. Bình đẳng: Doanh nghiệp nào cũng có cơ hội như nhau trong việc sử dụng hạn ngạch, không còn phải lo doanh nghiệp lớn chèn doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp này có đặc quyền đặc lợi doanh nghiệp kia thì không. Tất cả phụ thuộc hoàn toàn vào chính bản thân mỗi doanh nghiệp và không thể trách ai được.
2. Cơ hội để sát hạch năng lực cạnh tranh và xác lập một sự liên kết tự nguyện: Khi thả nổi hạn ngạch thì doanh nghiệp nào mạnh hơn có sức cạnh tranh hơn trên các phương diện chất lượng, thời hạn và giá cả thì doanh nghiệp đó sẽ có cơ hội để vươn lên và đó chính là thước đo để đánh giá doanh nghiệp “lớn/nhỏ” một cách chính xác hơn cả. Trong trường hợp có sự phân hoá như vậy thì các doanh nghiệp “nhỏ” buộc phải tự nguyện liên kết theo nhiều hình thức khác nhau với các doanh nghiệp “lớn” để mà tồn tại.
3. Tính chủ động: Doanh nghiệp Việt Nam và khách hàng hoàn toàn có quyền chủ động trong vòng 6 tháng đầu năm là thời gian đủ cho một mùa cung ứng và nếu cơ chế giao hạn ngạch không bị thay đổi, đồng thời doanh nghiệp theo dõi thông tin sử dụng hạn ngạch tốt thì hoàn toàn có thể dự báo được sản lượng sẽ ký tiếp cho 6 tháng cuối năm.
4. Khả năng kiểm soát: Trong bối cảnh mới, sẽ không còn khách hàng nào dại dột đem hàng sang nước ta chỉ để lấy EL và CO từ Việt Nam và như vậy trong vòng 6 tháng đầu năm chắc chắn chúng ta sẽ không thể dùng hết được số hạn ngạch của cả năm xuất sang Hoa Kỳ.
5. Áp lực cho sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh: Nếu trong vòng 6 tháng đầu năm mà dùng hết được chỉ tiêu hạn ngạch của cả năm thì đó là điều mừng cho ngành dệt may Việt Nam. Dù doanh nghiệp nào làm được thì cũng thực sự là từ năng lực nội tại của ngành dệt may Việt Nam mà hình thành cho nên không ảnh hưởng gì tới quyền lợi chung của quốc gia. Trong hoàn cảnh như vậy sẽ tạo ra áp lực buộc các doanh nghiệp phải tìm tới sản phẩm hoặc thị trường không hạn ngạch để giải quyết nhu cầu sản xuất trong thời gian thiếu hụt.
Trên đây là một vài ý kiến của cá nhân xuất phát từ một tấm lòng quan tâm tới sự phát triển chung của ngành dệt may. Với một tinh thần tôn kính mong được trao đổi cùng nhiều bạn khác để tìm ra được phương thức giải quyết vấn đề theo chiều hướng tốt nhất để theo kịp với sự biến đổi của tình hình.
Đỗ Nam Hải