Nước bể bơi có thể mang nhiều mầm bệnh. Ảnh: Hoàng Hà. |
Thử nghĩ xem, bể bơi thì nhỏ và có hạn nhưng số lượng người đến bơi vào mùa hè gần như quá tải. Hàng ngày có vài trăm người lên xuống và đương nhiên bạn phải dùng chung nước với ngần ấy người.
Nếu chẳng may, một trong số họ mắc bệnh tiêu chảy thì những người còn lại rất dễ bị nhiễm bệnh. Bởi lẽ người bị bệnh sẽ làm ô nhiễm nước bằng các chất thải mang mầm bệnh của mình. Bệnh tiêu chảy sẽ phát tán khi người đi bơi nuốt phải nước nhiễm bệnh.
Mọi người thường rất an tâm đến hồ bơi vì cho rằng clo (chất dùng để tẩy trùng) sẽ giết hết vi trùng trong bể. Điều đó không sai nhưng clo cần có thời gian để hòa tan trong nước và diệt trùng hoàn toàn.
Nhưng vào giữa mùa cao điểm, bể bơi luôn quá tải đến 9h tối và có thể 5h sáng hôm sau đã mở cửa. Vậy thì chỉ có nhiều nhất 8 tiếng để khử trùng bể bơi. Đó là lý do vì sao đến ngày hôm sau lượng clo còn trong nước rất nhiều và vi trùng thì vẫn chưa bị tiêu diệt hết (một vài chủng khuẩn gây ra các căn bệnh gọi chung là RWIs có thể sống vài ngày trong các hồ bơi).
Do vậy, để thực sự an toàn khi đi bơi, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Đừng đi bể bơi hay các khu vui chơi dưới nước khi mắc bệnh tiêu chảy. Đặc biệt là đối với trẻ đang dùng bỉm. Rất có thể bạn sẽ phát tán mầm bệnh và các loại vi trùng khác vào trong nước và lây lan cho người khác.
- Tuyệt đối không được nuốt nước ở bể bơi.
- Hãy giữ gìn vệ sinh thật tốt. Tắm trước khi xuống bể bơi và rửa tay sau khi đi vệ sinh cũng như thay bỉm cho trẻ em. Như thế vi trùng trên cơ thể bạn sẽ không có cơ hội làm ô nhiễm nguồn nước và gây hại cho những người xung quanh.
Các ông bố bà mẹ khi đưa trẻ đi bơi hoặc đến vui chơi cần chú ý thêm:
- Luôn để mắt tới con trẻ vì chúng rất dễ bị chết đuối.
- Giữ cho trẻ khỏi bị cháy nắng bằng cách dùng kem chống nắng có độ SPF ít nhất là 15 và có chứa chất chống tia tử ngoại UVA, UVB.
- Cho trẻ đi vệ sinh trước khi xuống bể bơi và kiểm tra bỉm thường xuyên đối với các trẻ còn nhỏ. Đừng chờ đến khi bé nói: "Con muốn đi", như thế có nghĩa là đã quá muộn rồi.
- Thay bỉm hoặc tã lót cho trẻ ở nhà chứ không phải hồ bơi. Vi trùng có thể trải khắp bề mặt thành bề bơi và làm ô nhiễm nguồn nước trong bể.
- Tắm sạch sẽ cho trẻ (đặc biệt là phần mông) bằng xà bông và nước trước khi xuống bơi. Bởi mỗi người đều có một lượng chất thải không nhìn thấy bằng mắt thường ở bên trong hậu môn. Và đó lại là phần tiếp xúc với nước nhiều nhất.
Cần nhớ rằng, trên thực tế nếu chính chúng ta không có ý thức thì ngay cả những bể bơi đạt chất lượng tốt nhất cũng mang rất nhiều mầm bệnh.
Hương Giang (Theo cdc.gov)