Phó giám đốc Sở Khoa học công nghệ Quảng Nam Phạm Ngọc Sinh chưa thị sát tình hình đường hầm thủy điện Sông Tranh 2, song từ những bức ảnh ghi lại các vòi nước bắn ra qua những lỗ rò ở trần và hai bên thành hầm, ông nhận xét: "Lượng nước rò rỉ bên trong đường hầm như thế là khá lớn, sẽ ảnh hưởng rất nhiều tuổi thọ của đập".
![]() |
Đường hầm xuyên qua đập chính thủy điện Sông Tranh 2 rò, dột nước. Ảnh: Trí Tín. |
Tiến sĩ Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hiệp hội đập lớn Việt Nam cũng lo lắng: "Nếu hình ảnh cho thấy vòi nước phụt ra khắp nơi trong hầm của đập thủy điện Sông Tranh 2 thì rõ ràng lỗi thi công rất lớn".
GS TS Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí học Việt Nam, Tổ trưởng bộ môn Cơ sở kỹ thuật Thủy lợi (Khoa Xây dựng Thủy lợi - Thủy điện - ĐH Bách khoa Đà Nẵng) thì cho rằng, cần thẩm định những dòng nước phụt ra trong đường hầm đập là qua khe nhiệt hay vết nứt ngoằn ngoèo của bê tông.
Các chuyên gia đều cho rằng cần thiết lập đoàn chuyên gia đầu ngành để kiểm tra lại tình hình rò đập Sông Tranh 2. Theo GS Hùng, đoàn chuyên gia này phải bao gồm các lĩnh vực địa chất, nghiên cứu động đất, kết cấu, thủy lực, thi công, xử lý công trình bê tông... "Chẩn đoán đúng bệnh thì mới có thể chữa dứt điểm cho đập thủy điện", ông Hùng nhấn mạnh.
![]() |
Nhiều tia nước rò rỉ, thấm dột từ mái của đường hầm Sông Tranh 2. Ảnh: Trí Tín. |
Thủy điện Sông Tranh 2 có ba hành lang thu nước thấm trong thân đập (còn gọi là đường hầm hay hành lang kiểm tra), nằm dọc theo chiều dài đập tại các cao trình 152 m, 124 m và 95 m. Trung bình mỗi đường hầm rộng khoảng hơn 3 mét, cao 2,5 mét với tổng chiều dài gần 2 km. Hai bên lối đi của hầm là hai rãnh thu gom nước thấm chảy về phía miệng hầm qua đường ống.
Các đường hầm này liên thông với nhau bằng những ống thu nước. Hầm còn là hành lang để chủ đầu tư, nhà thầu đi kiểm tra thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng đảm bảo an toàn đập.
Chiều 28/3, bên trong đường hầm đập thủy điện Sông Tranh 2, nước bắn ra từ khắp nơi: trên mái, tường và nền hầm. Nước chảy ào ạt rồi đổ dồn về hành lang qua hai ống nhựa được các công nhân mới lắp đặt, chảy về miệng hầm xuống khu vực hạ lưu của đập.
Trong đường hầm, từng tốp công nhân mặc áo mưa vác bao cát ngăn nước. Để ngăn cản người lạ vào hầm, Tổng công ty xây dựng Thủy lợi 4 - đơn vị thi công công trình đã cử người túc trực 24/24.
Trong cuộc họp báo chiều 28/3 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết Việt Nam đã xây dựng 14 công trình đập thủy điện dùng công nghệ bê tông đầm lăn như ở Sông Tranh 2. Trước đây, hiện tượng thấm nước đã từng xảy ra tại nhà máy thủy điện Pleikrong (Kon Tum) với lưu lượng thấm nước là 25 lít một giây, tương đối lớn so với mức cho phép thiết kế. Sau khi được xử lý, lưu lượng thấm nước sau mùa lũ tại Pleikrong chỉ còn 3 lít một giây, đáp ứng tiêu chuẩn thiết kế và đến nay vẫn hoạt động an toàn, ổn định.
Nhà máy thủy điện Pleikrong và thủy điện Sông Tranh 2 do cùng một đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 1. |
Trí Tín