Chiều 26/6, Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Phó ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà (nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) cho biết danh mục thuốc, tỷ lệ được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả đang quy định tại Thông tư 20/2022 của Bộ Y tế. So với thông tư năm 2018, Bộ chỉ bổ sung 7 hoạt chất được Quỹ BHYT thanh toán nếu điều trị Covid-19. Trong khi đó, các hoạt chất này có thể được chỉ định điều trị trong nhiều trường hợp thiết yếu khác.
Theo bà Hà, danh mục thuốc BHYT được cập nhật rất chậm. Khi công nghiệp dược có nhiều tiến bộ về khoa học, nhiều loại thuốc mới, một số dạng bào chế đặc biệt sẽ gia tăng hiệu quả điều trị cho người bệnh. Việc chậm ban hành và ít cập nhật danh mục thuốc BHYT sẽ ảnh hưởng tới cơ hội tiếp cận phương thức điều trị mới, tiên tiến trên thế giới.
"Sự chậm trễ này làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn, chỉ trông chờ vào BHYT để được khám bệnh, chữa bệnh", bà Hà nói.
Phó ban Dân nguyện đề nghị Bộ Y tế làm rõ nguyên tắc, điều kiện đưa thuốc vào danh mục và quy trình, thủ tục rà soát, bổ sung thuốc vào Danh mục được bảo hiểm y tế chi trả. "Tôi đề nghị bổ sung quy định cập nhập danh mục phải thực hiện hàng năm và giao Bộ Y tế quy định chi tiết điều này", bà Hà nói.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Huyết học và Truyền máu Trung ương) cũng không đồng tình khi danh mục thuốc được BHYT thanh toán trong 13 năm qua chỉ được điều chỉnh 4 lần vào các năm 2012, 2014, 2018 và 2022. "Như vậy phải 3-4 năm, danh mục thuốc mới được bổ sung một lần và số lượng thuốc cũng rất ít ỏi", ông Trí nói.
Theo ông, khoa học công nghệ tiến nhanh như vũ bão. Thuốc mới ra đời nhanh và liên tục xuất hiện nhiều phác đồ điều trị mới làm thay đổi rất cơ bản chất lượng điều trị, nhất là bệnh khó, bệnh ác tính trong các chuyên khoa nội, ngoại, sản nhi, phổi, huyết học, viêm gan. Việc bổ sung 7 hoạt chất trong 4 năm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng điều trị cho người bệnh. "Đó cũng là một trong các nguyên nhân người Việt Nam không ngừng ra nước ngoài điều trị vì họ có nhiều thuốc mới", ông Trí nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng điều khoản điều chỉnh tỷ lệ chi trả trong trường hợp bệnh ác tính phải điều trị lâu dài, có thuốc phải dùng trên 3 năm. Chính sách hỗ trợ "là cần thiết cho người có hoàn cảnh khó khăn, chỉ trông chờ vào BHYT để được khám chữa bệnh".
Vấn đề này từng được đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM) chỉ ra cuối năm ngoái. Bà Lan cho rằng việc cập nhật danh mục thuốc cho bệnh nhân ở Việt Nam rất chậm so với các nước. Nhật Bản chỉ mất khoảng 3 tháng, Pháp 15 tháng, Hàn Quốc 18 tháng, nhưng Việt Nam mất trung bình từ 2 đến 4 năm để đưa một loại thuốc mới vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế, làm mất quyền lợi của người dân hưởng BHYT.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan từng cho biết lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ BHYT thanh toán không bị giới hạn bởi chủng loại, rẻ hay đắt, nội hay ngoại. Thuốc được chọn để BHYT thanh toán căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu bệnh nhân và khả năng chi trả của quỹ. Bà nói Việt Nam được đánh giá là một trong số ít nước có danh mục thuốc tương đối đầy đủ với hơn 1.000 hoạt chất, tuy nhiên "không phải thuốc nào mới phát minh đều nghiễm nhiên được đưa vào danh mục thuốc BHYT".