Người gửi: Đ.G.
Các bài viết này được viết dưới nhiều hình thức khác nhau: lời cảm ơn trực tiếp của bệnh nhân hay lời kể về những nhân chứng sống nhờ có “thần dược” mà “được hồi sinh”, “hạnh phúc bất ngờ”, hay “chiến công vang dội”, những tiêu đề cuốn hút “Xua đi nỗi lo…” “Tin vui cho người bệnh…”, cả những câu chuyện về những bệnh nhân nhờ dùng sản phẩm mà lập nên “kì tích”… và bao giờ cũng kết thúc bằng sự sẻ chia kinh nghiệm và khuyên dùng sản phẩm để được “hạnh phúc như tôi”.
Các bài viếtđã khai thác tâm lý người bệnh còn nước còn tát, có bệnh thì vái tứ phương, khi đọc những dòng tâm sự và sẻ chia kinh nghiệm chiến thắng bệnh tật thì như vợi bớt được gánh lo bệnh tật, và lời khuyên dùng sản phẩm nhờ thế mà cũng dễ đi vào lòng người hơn. Đã có không ít người tin theo, làm theo, đọc được thần dược thì mua về dùng thử nhưng kết quả chẳng thấy kì diệu hay bất ngờ mà rốt cục tiền mất tật mang. Xót xa hơn là trong số đó có cả những bệnh nhân nghèo vì tin theo “thần dược” mà chắt bóp từng đồng xu những mong thoát khỏi cơn hiểm nghèo, cứu vãn được sự sống, nhưng nào ngờ đã khốn khổ vì bệnh tật nay lại càng thêm khốn đốn.
Trở lại với định nghĩa: “Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ (phục hồi, duy trì hoặc tăng cường) chức năng của các bộ phận trong cơ thể, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật”, càng thấy rõ không thể biến thực phẩm chức năng thành thần dược chữa bách bệnh, kể cả các bệnh nan y như: ung thư, u xơ, tiểu đường, tai biến mạch máu não… Thiết nghĩ, việc quảng cáo không trung thực, nói quá về tác dụng sản phẩm cần phải được nhìn nhận, xem xét lại để tránh gây những hiểu nhầm và ngộ nhận đáng tiếc ở người bệnh.
Đứng dưới góc độ người tiêu dùng, nếu tinh ý cũng có thể thấy đây chẳng qua chỉ là một mánh khóe để mị dân theo kiểu “Sơn Đông mãi võ”, bán thuốc dạo, giả làm bệnh nhân để ngợi ca về sản phẩm, như thể con hát mẹ khen hay.
Dễ nhận thấy thực tế: sẽ chẳng có người bệnh nào cho dù có tâm huyết và cảm kích với hiệu quả sản phẩm đến mấy, cũng không sao nghĩ tới việc gửi đăng những lời cảm ơn thống thiết trên một loạt báo, mất công, mất thời gian, lại tốn tiền. Có chăng thì gọi điện, gửi thư cảm ơn trực tiếp đến nhà sản xuất, nhà phân phối, cũng là đáng quý lắm rồi.
Và nếu đem hình thức quảng cáo này so sánh với hình thức bán hàng đa cấp từng bị phê phán trước đây thì thấy khá nhiều điểm tương đồng: cũng là sự sẻ chia của những người đã từng sử dụng sản phẩm, thậm chí có thể trình bày và phân tích rất hay về sản phẩm trong khi không có trình độ chuyên môn, ngợi ca, tán tụng hết lời, và đem chính mình, người thân của mình ra để làm nhân chứng chân thực nhất. Nếu có khác thì cũng chỉ là khác về hình thức truyền đạt, thay vì truyền miệng trong kinh doanh đa cấp thì ở đây là sự bày tỏ nỗi niềm trên báo chí. Xét đến cùng, dẫu có biến tướng thế nào thì về bản chất, đây đều là các hình thức kinh doanh không lành mạnh, cần được điều chỉnh kịp thời.
Về phía người tiêu dùng, cũng cần phải sáng suốt hơn để lựa chọn và tiếp nhận những thông tin đáng tin cậy, hay cụ thể hơn là phải cảnh giác trước những hình thức quảng cáo nói trên, để tránh bị cuốn theo những niềm tin không có thực rồi sau đó phải giật mình vì bị mắc lừa, theo đuổi thần dược mà bệnh vẫn không tiến triển như kì vọng.
Về phía các cơ quan chức năng, cũng cần phải vào cuộc một cách đồng bộ và mạnh mẽ hơn để ngăn chặn và chấm dứt kịp thời các hình thức quảng cáo không trung thực trên nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, lành mạnh hóa hoạt động thông tin quảng cáo.
Còn về phía nhà kinh doanh cũng cần phải có cái “tâm”, nhất là khi khách hàng là những người bệnh, đừng tìm kiếm vinh quang trên nỗi đau của người khác.