Căn phòng ba nằm bao năm nay là một căn phòng đặc biệt nhất trên đời. Nơi ấy ghi dấu 10 năm ba là bệnh nhân, mẹ là y tá. Đó là nơi chúng con chạy vào đầu tiên mỗi lần trở về nhà; nơi chúng con luôn nghĩ tới, không phút giây nào nguôi khi đi xa.
Nơi ba nằm là phòng khách của riêng ba. Phòng khách không có bàn uống trà mà chỉ có bàn đựng thuốc. Không thể đếm được có bao nhiêu người, bao nhiêu lần mọi người đã thăm, hỏi han và tiếp thêm cho ba nghị lực sống. Nơi ba nằm có khung cửa sổ, nhìn ra sân và cổng chờ các con về. Mỗi lần trở trời ba đau, phòng nhỏ lại nhỏ hơn. Hàng xóm, họ hàng, bạn bè ba mẹ, bạn bè các con và cả những đứa trẻ nhà bên đều ghé vào coi chừng, động viên ba và an ủi mẹ. Con chưa bao giờ thấy phòng khách nào ấm áp và tràn ngập tình yêu thương, hiếu khách như thế. Khách đến thăm, khách trở thành người nhà mình, gần gũi, thân thương.
Nơi ba nằm là phòng ngủ của mẹ và ba. Là phòng ngủ nhưng chưa đêm nào bình yên, mỗi đêm đèn bật mấy lần, bước chân ai nhè nhẹ. Bệnh tai biến làm ba liệt nửa người nên không thể tự trở mình. Giấc ngủ chập chờn của ba là những đêm thức trắng của mẹ bao năm. Nghe tiếng mưa rơi ba ú ớ nhắc mẹ dậy cất đồ. Trong cơn đau ba gọi “bà ơi”, tay đập vào thành giường ra hiệu cho mẹ. Phòng ngủ ba nằm trở thành "phòng thức", mẹ, các cậu, con cháu thay nhau trông chừng. Nơi ấy đêm đêm có tiếng thầm thì, mẹ động viên ba cố gắng vượt qua bệnh tật. Mẹ là người biết rõ nhất, căn nhà sẽ trống vắng thế nào nếu không có ba.
Phòng của ba là một phòng ăn. Những lúc đau nặng, ba không ra ngoài bếp để ăn cùng con cháu, có chiếc tạp dề treo lơ lửng bên khung cửa sổ, chiếc phích màu xanh để góc nhà. Trên bàn nhỏ mẹ để sẵn hộp sữa, chiếc ly nhựa và hai cái thìa, hộp khăn giấy và bình nước đậy giống như của em bé. Mẹ luôn sợ nửa đêm ba đói. Mỗi đêm ba dậy uống sữa một hai lần. Dù nhiều người khuyên không nên cho ba dậy ăn đêm để bớt vất vả, nhọc nhằn nhưng mẹ vẫn quả quyết giữ thực đơn cho ba, mẹ bảo ba cần gì mẹ biết. Mẹ là bếp trưởng quan trọng của đời ba.
Nơi ba nằm là phòng điều trị vật lý trị liệu bao nhiêu năm nay. Trên đầu giường có cả khung sắt treo bình thuốc để chuyền giống như bệnh viện. Tủ thuốc nhỏ có đủ thứ cho một bệnh nhân điều trị dài hạn với thuốc tiêm, thuốc uống, thuốc tiểu đường, huyết áp, kim tiêm, thuốc bổ và cả lọ hồng sâm. Mẹ cẩn thận chăm chút tủ thuốc như một y tá chuyên nghiệp cho. Ba vẫn tự hào gọi mẹ là “bác sĩ riêng giỏi nhưng khó tính”. Nơi ba nằm hàng ngày có mùi dầu gió thoang thoảng, con cháu, hàng xóm thường xuyên tranh thủ mát xa, tẩm quất, bóp tay chân cho ba. Chân, tay bên phải của ba bị liệt nhiều năm, mỗi lần ai ghé thăm cũng đều dành chút thời gian làm “nhà vật lý trị liệu". Bao năm nay bàn tay mẹ thay bàn tay ba. Những hôm ba khỏe, sáng ngủ dậy, bám vào khung cửa sổ và tập đứng lên ngồi xuống nhiều lần. Mẹ bắt ba phải đếm tới một trăm rồi mới cho nghỉ. Mẹ bảo vừa để ba tập vận động vừa để tập nói. Mẹ luôn hy vọng ba sẽ hồi phục, ngồi dậy và nói chuyện được với cả nhà. Niềm tin của mẹ tiếp thêm nghị lực cho ba.
Nơi ba nằm cũng là nơi sinh hoạt cá nhân. Mỗi buổi sáng mẹ lót tấm nilon, rửa và thay đồ cho ba tại chỗ. Cuối chân giường có chiếc bô màu xanh lặng lẽ. Đã từ lâu ba không còn tự đi ra nhà vệ sinh. Nhưng có một điều mà ai cũng ngạc nhiên, phòng của ba nằm không hề có mùi của người bệnh. Không xịt dầu thơm, đặt sáp khử mùi nhưng phòng ba luôn thoáng mát, bốn mùa sạch sẽ thơm tho.
Con về lần này không còn gặp được ba. Đồ đạc quen thuộc của ba cũng không còn. Chiếc giường của ba đã mang ra mộ đốt, mẹ mua một chiếc giường đơn thay vào. Con thấy phòng rộng ra nhưng lòng mình thắt lại. Con bối rối nhìn quanh tìm, vẫn hy vọng ba còn đâu đấy. Căn phòng nhỏ gắn với ba, với kỷ niệm của cuộc đời chúng con, với bộn bề lo toan của mẹ. Phòng của ba tràn đầy yêu thương của mọi người. Ba luôn sống với tình yêu thương chan chứa, niềm hy vọng, nụ cười và cả nước mắt. Niềm vui đến mỗi lần ba khỏe, đọc thơ, ba nói trạng. Nước mắt xót xa rơi khi ba ốm nặng, chiến đấu với bệnh tật, sự sống, với mong ước luôn có ba của mọi người. Con cháu hôm nay về đủ sao nhà mình bỗng trống vắng lạ lùng. Mẹ lặng lẽ, mỏng manh, yếu đuối khi không còn có ba bên cạnh.
Từ ngày 5/11 đến 4/12, độc giả có thể tham gia cuộc thi viết "Mái ấm trong tôi" do VnExpress và nhãn hàng Schneider Electric - Chuyên gia trong lĩnh vực quản lý năng lượng - phối hợp tổ chức.
Bài dự thi phải được thể hiện bằng tiếng Việt có dấu, dài 300 - 1.000 từ, chia sẻ về kỷ niệm ngọt ngào với ngôi nhà thân thương, những khoảnh khắc đáng nhớ bên gia đình hoặc ước mơ về một tổ ấm tương lai. Cuộc thi gồm một giải nhất - một iPad 3 trị giá 16 triệu đồng và 10 giải khuyến khích - mỗi giải là phiếu mua hàng siêu thị và sản phẩm Schneider Electric trị giá 2 triệu đồng. |
Võ Thị Minh Huệ