From:
To: luatcanhtranh@vnexpress.net
Sent: Saturday, July 12, 2003 9:57 PM
Subject: Luat canh tranh can phan biet thoa thuan ngang voi thoa thuan doc
1. Sự cần thiết phải phân biệt thoả thuận ngang/thoả thuận dọc
Trong Luật Cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) xuất hiện hai thuật ngữ: thoả thuận ngang ("ententes horizontales") và thoả thuận dọc ("ententes verticales"). Cơ sở là communication của Uỷ ban châu Âu ngày 22/12/2001 (xem: Công báo của EU số C 368/13 ngày 22/12/2001), thay thế communication ngày 9/12/1997. Theo các quy định này, thoả thuận ngang được hiểu là các thoả thuận được thực hiện giữa các chủ thể là các tác nhân kinh tế (doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp...) nằm ở vị trí ngang nhau của chu trình sản xuất, phân phối hoặc lưu thông hàng hóa. Ví dụ: thoả thuận giữa các tác nhân cùng là nhà sản xuất với nhau hoặc giữa các tác nhân cùng là nhà phân phối với nhau... Còn thoả thuận dọc được hiểu là các thoả thuận được thực hiện giữa các chủ thể là các tác nhân kinh tế nằm ở vị trí khác nhau của cùng một chu trình sản xuất, phân phối hoặc lưu thông hàng hóa. Ví dụ: thoả thuận giữa các tác nhân là nhà sản xuất với nhà phân phối.
VnExpress đang tập hợp ý kiến của doanh nghiệp về dự án Luật Cạnh tranh. Bạn đọc nhấn vào đây để gửi thư, hoặc tới địa chỉ luatcanhtranh@vnexpress.net |
Trên thực tế, thoả thuận ngang thường được thực hiện dưới các hình thức sau:
- Thoả thuận ấn định giá giữa các doanh nghiệp đang là các đối thủ cạnh tranh với nhau;
- Thoả thuận thống nhất về các khoản tiền thưởng, khuyến mại...cho khách hàng mua nhiều sản phẩm hoặc mua một sản phẩm nào đó;
- Trao đổi thông tin giữa các bên tham dự thầu trong cùng một vụ đấu thầu;
- Thoả thuận phân chia thị trường;
- Thoả thuận nhằm loại bỏ hoặc hạn chế sự tham gia vào thị trường của một hoặc một số doanh nghiệp khác...
Còn thoả thuận dọc trên thực tế thường được thực hiện dưới hình thức áp đặt cho các doanh nghiệp khác điều kiện ký hợp đồng tham gia mạng lưới phân phối tiêu thụ sản phẩm hoặc buộc các doanh nghiệp này chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.
Trên cơ sở phân tích dưới giác độ kinh tế, người ta đã đi đến kết luận rằng: thông thường thì các thoả thuận ngang sẽ gây nhiều tác động xấu đến sự vận hành của thị trường hơn là các thoả thuận dọc. Vì các thoả thuận dọc được thực hiện trong cùng một chu trình hoặc một dây chuyền với nhau. Ví dụ thoả thuận giữa hãng nước hoa nổi tiếng của Pháp Yves Rocher với các đại lý của mình trên toàn quốc về các điều kiện tham gia hợp đồng đại lý. Thoả thuận này, nếu có được thực hiện, thì mức độ gây ảnh hưởng đến thị trường đến đâu còn phụ thuộc rất nhiều vào sức mạnh cạnh tranh của các hãng nước hoa khác. Trong khi đó, trong trường hợp thoả thuận ngang: nếu có khoảng vài ba hãng nước hoa lớn của Pháp mà thoả thuận với nhau ấn định giá bán của sản phẩm thì mức độ ảnh hưởng thường sẽ lớn hơn, có thể sẽ "phá giá" nước hoa và làm các hãng nước hoa còn lại, nhất là các hãng có sức cạnh tranh không lớn, lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí là phá sản.
Dựa trên cơ sở này mà Luật Cạnh tranh của EU đã có cách phân hoá rất rõ ràng để xử lý thích hợp đối với mỗi trường hợp như sau (tất nhiên là có các trường hợp được miễn trừ):
- Các tác nhân kinh tế tham gia thoả thuận ngang sẽ bị xử lý nếu có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan là 10%;
- Trong khi đó các tác nhân kinh tế tham gia thoả thuận dọc chỉ bị xử lý khi có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan là 15%;
2. Kiến nghị xử lý vấn đề này trong dự thảo Luật Cạnh tranh
Dự luật hiện chưa có sự phân biệt này. Thật ra nếu dựa theo phân tích trên thì có thể thấy các loại thoả thuận nêu ở điểm a, b, c, e, g của Điều 8 dự thảo Luật Cạnh tranh hiện nay chính là thoả thuận ngang; còn thoả thuận nêu ở điểm d của Điều 8 có thể tạm gọi là thoả thuận dọc.
Hướng xử lý mà ban soạn thảo đưa ra là lấy ngưỡng chung cho cả hai loại thoả thuận: thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị coi là gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường nếu các bên tham gia có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 25% trở lên (Điều 10 dự thảo).
Chọn phương án này có mặt thuận lợi là tương đối dễ hiểu, dễ áp dụng trong thực tế. Trong các vụ việc cụ thể không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định đâu là thoả thuận ngang hay thoả thuận dọc, bởi lúc đó phải phân tích kỹ lưỡng cả dưới giác độ kinh tế lẫn pháp luật.
Tuy nhiên, trong cơ chế điều chỉnh pháp luật, đặc biệt là Luật Cạnh tranh - luật điều tiết trị trường - việc quy các nhóm hành vi có bản chất kinh tế khác hẳn nhau về cùng một nhóm và đưa ra cùng một loại chế tài có thể sẽ gây ra hậu quả là việc điều tiết và xử lý các hành vi đó không chính xác vì không đảm bảo sự cá thể hoá ở mức độ cần thiết. Và như vậy, sẽ không phát huy được tác dụng của các quy phạm luật cạnh tranh với tính chất là các quy phạm đảm bảo trật tự công cộng ("odre public") trong lĩnh vực kinh tế.
Tôi tin là ban soạn thảo cũng đã biết rõ quy định này của EU và cũng đã có sự cân nhắc khi thiết kế các điều luật trong dự thảo như đã nêu ở trên. Tuy nhiên, vì sao không phân hoá các thoả thuận hạn chế cạnh tranh thành thoả thuận ngang và thoả thuận dọc và dựa trên cơ sở nào để đặt ra ngưỡng chung là 25%, chứ không phải là 15, 20 hay 30%? Rất mong nhận được sự trao đổi của ban soạn thảo dự án Luật để tôi cũng như các bạn đọc khác quan tâm có điều kiện hiểu rõ hơn vấn đề này.
3. Nhân đây tôi muốn trao đổi lại với bạn Nguyễn Ngọc Đại xung quanh chủ đề xung đột pháp luật trong Luật Cạnh tranh
Trong bài viết ngày 3/7/2003, bạn Nguyễn Ngọc Đại viết: "Trong bài viết ngày 19/6, bạn Nguyễn Hữu Huyên cho rằng chúng ta không chỉ bổ sung vào dự thảo Luật Cạnh tranh quy phạm xung đột pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh mà cả về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng thống lĩnh...”.
Tôi đã kiểm tra lại toàn văn bài viết ngày 19/6 của tôi thì thấy chỉ có lập luận sau: "Điều 835 Bộ luật Dân sự chỉ đề cập đến bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trong khi các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh rất đa dạng (thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh...) chứ không chỉ bó hẹp trong vấn đề bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra". Lập luận này chỉ có ý nghĩa duy nhất là muốn nói về phạm vi hẹp của Điều 835 Bộ luật Dân sự hiện hành, và cũng chỉ có vậy thôi chứ người viết hoàn toàn không có ý và toàn bộ bài viết cũng không có chỗ nào thể hiện là "bạn Nguyễn Hữu Huyên cho rằng chúng ta không chỉ bổ sung vào dự thảo Luật Cạnh tranh quy phạm xung đột pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh mà cả về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng thống lĩnh".
Quan điểm của tôi trước sau vẫn thể hiện nhất quán là: (1) trên thực tế là có xung đột pháp luật cạnh tranh ở các lĩnh vực: cạnh tranh không lành mạnh, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh; (2) tuy nhiên, tôi kiến nghị Luật Cạnh tranh của chúng ta chỉ nên đề cập đến vấn đề xung đột pháp luật đối với lĩnh vực cạnh tranh không lành mạnh để làm cơ sở cho các toà án giải quyết các tranh chấp về bồi thường thiệt hại do các hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra.
Quan điểm này đã được thể hiện rõ ràng trong hai bài viết của tôi ngày 13/6 và 19/6. Kiểm tra lại các lập luận trong các bài viết đó thì thấy hoàn toàn không có cơ sở nào để khẳng định là: "Bạn Nguyễn Hữu Huyên đã thay đổi quan điểm và tán đồng với kết luận của tôi" - như bạn Đại đã hiểu. Vậy tôi xin nói lại một lần nữa để bạn Đại hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Nguyễn Hữu Huyên, huyent@hotmail.com