From: Minh Nguyen
To: webmaster@vnexpress.net
Sent: Sunday, January 12, 2003 10:09 PM
Subject: Pham chat nguoi cong an nhan dan
Kính gửi Ban biên tập VnExpress,
Chúng tôi ở CHLB Đức, làm ăn sinh sống từ thời CHDC Đức đến nay nên thực tế chúng tôi là những người được sinh ra, lớn lên và được giáo dục trong môi trường XHCN. Đọc các bài viết về nạn "cơm tù" và những đóng góp ý kiến của các bạn gần xa, chúng tôi rất lấy làm khổ tâm nếu phải giải thích việc này cho những người bạn nước ngoài. Đọc bài của các bạn Le Hung, Le Tan Hung, Kim Thuy Nguyen, Phan Chau Dien, Minh Hoang, Tran Son Thanh, Nhung Vestergaard… tôi rất đồng tình và đồng ý với đề nghị của các bạn.
Hãy không nhắc đến những tên "đồ tể" của các quán cơm nữa vì chuyện đó đã quá “hai năm rõ mười”. Chúng ta nên nói đến những kẻ đã tiếp tay, thao túng cho những tên “đồ tể” ấy. Người công an tên Thương, thực chất là một kẻ bảo kê trong vỏ bọc hợp pháp. Vừa là kẻ bảo kê cho quán của anh mình chắc chắn y vừa là kẻ trung gian cho việc hối lộ của quán này cho cấp trên. Ngay cả khi bố con anh Bảo bị đánh đã gần kề với cái chết thì ít nhất với tình đồng loại, anh ta phải đưa họ đi viện ngay chứ không phải “khuyên” họ đón xe đi đến 1 bệnh viện xa gấp 4-5 lần một bệnh viện của khu vực gần đó. Y đã trở thành đồng lõa với hành động đánh người gây thương tích. Chắc là để tránh “hậu họa” cho tiếng tăm quán của anh mình.
Có thể nói người mặc áo công an tên Thương thực chất là một “bộ phận” trong guồng máy “cơm tù”. Ngoài việc xử lý người công an tên Thương này như một “thành viên” của quán còn phải xử thêm tội của kẻ lợi dụng trách nhiệm và tội làm trung gian đút lót, hối lộ nếu có.
Chúng tôi bên này hàng ngày vào trang của vnexpress để biết thêm tin tức của quê hương và rất vui mừng khi thấy đời sống kinh tế của Việt nam đã có nhiều khởi sắc. Nhiều người làm ăn trong nước đã trở nên giàu có hơn cả người làm ăn ở nước ngoài. Nhiều người chúng tôi bên này cũng chỉ là công nhân đi làm hãng, lương “ba cọc ba đồng”. Ở nước ngoài công an, cán bộ trong các công sở của chính quyền làm việc rất nghiêm minh. Lấy đơn cử một ví dụ:
Chúng tôi có hàng xóm là một anh công an giao thông khu vực, hàng ngày vẫn gặp nhau, chào hỏi nhau và xin nhau điếu thuốc, mời nhau uống cốc cà phê… Một lần chúng tôi đi xe ô tô phạm luật gần đấy, người đến phạt vi cảnh lại chính là anh ta. Trong lúc anh ta viết giấy phạt, anh bạn tôi đến vỗ vai nói: Xin chào, ông bạn tôi (Hallo! Mein Freund). Ngay sau đó chúng tôi nhận được 2 giấy phạt: một cho vi phạm luật giao thông, một cho “tội” vỗ vai người thi hanh công vụ (!). Nghĩ rằng việc đó có thể đi đến sự “rạn nứt” trong quan hệ nhưng sau này gặp nhau, mọi việc vẫn bình thường, cứ như không hề có chuyện trước. Từ chuyện rất nhỏ ấy mới thấy người chính quyền họ làm việc rất nghiêm túc, chuyện nào đi chuyện ấy…. Còn nhiều chuyện kể ra ở Việt Nam mình khó có thể tin. Nhưng có như vậy, họ mới giữ được kỷ cương cho việc thi hành pháp luật.
Đấy là chuyện nhỏ chứ còn như chuyện “cơm tù” của chúng ta thì thật là như xảy ra từ thời trung cổ. Nếu không có vụ chết người của ông Hương thì hành khách đi xe không biết sẽ còn bị “đày đọa” đến bao giờ. Chúng tôi đề nghị : Để triệt tận gốc nạn "cơm tù", Pháp luật phải nghiêm khắc triệt từ những kẻ bảo kê như người công an tên Thương đến những người có chức trách đã mặc yên cho các quán “cơm tù” hoành hành. Rất mong việc xử phạt sẽ được công khai đăng tin cho người đọc được biết.
Cám ơn chính sách mới về thông tin của Nhà nước và Ban biên tập đã công khai đưa những tin này cho công chúng để mọi người được quyền bày tỏ các chính kiến riêng, bác bỏ mọi luận điệu tuyên truyền rằng ở Việt Nam, không ai được quyền bày tỏ chính kiến của mình.
Minh Phuong - Berlin