Nghiên cứu có sự tham gia của Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ Anthony Fauci, được công bố trên tạp chí Science ngày 11/5. Những tác giả khác bao gồm Larry Corey, cựu giám đốc Trung tâm Nnghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson; Francis Collins, giám đốc Viện Y tế Quốc gia và John Mascola, chuyên gia về vaccine.
Các nhà khoa học nêu lên những thách thức trong quá trình điều chế và cảnh báo chỉ một loại vaccine không đủ để ngăn chặn đại dịch Covid-19.
"Nhu cầu của cả thế giới và sự khác biệt của mầm bệnh, tùy thuộc vào vị trí địa lý, đòi hỏi nhiều hơn một loại vaccine hiệu quả", nghiên cứu viết, nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc phối hợp thực hiện chiến lược toàn cầu.
"Dù phần lớn nghiên cứu tập trung vào các thử nghiệm tại Mỹ, Mạng lưới phòng ngừa Covid-19 vẫn phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Đổi mới Chuẩn bị Dịch tễ (CEPI) cũng như các tổ chức từ thiện khác", các nhà khoa học nêu rõ.
Nghiên cứu khẳng định còn quá nhiều ẩn số liên quan đến Covid-19. Hiện chưa chắc chắn loại miễn dịch nào là cần thiết để chống chọi với căn bệnh, hay thời gian chúng tồn tại trong cơ thể là bao lâu. Các chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại vaccine có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch – quá trình tạo kháng thể giúp virus dễ dàng xâm nhập hơn.
"Mục tiêu hàng đầu hiện nay là an toàn, song trên lý thuyết, vaccine có nguy cơ khiến các triệu chứng của nCoV trở nên nghiêm trọng", công trình nêu rõ.
Vấn đề khác được đưa ra là tính hiệu quả của vaccine đối với từng độ tuổi (cả người già và thanh thiếu niên) cũng như các đột biến của virus. Các nhà khoa học kêu gọi hợp tác toàn cầu để thiết lập cơ sở dữ liệu chung, đánh giá thử nghiệm, chia sẻ thông tin và mẫu bệnh phẩm, cho phép so sánh các "ứng cử viên" khác nhau.
Đối với ý tưởng chủ động lây nhiễm nCoV cho các tình nguyện viên để đẩy nhanh quá trình phát triển, nghiên cứu nhấn mạnh cần cực kỳ thận trọng, cảnh báo hiện nay chưa có thuốc điều trị nếu bệnh nhân Covid-19 gặp biến chứng.
"Cho dù các thử nghiệm như vậy là xứng đáng hoặc tạo nên ưu thế về thời gian, vẫn cần có các nghiên cứu lâm sàng cũng như sự đánh giá từ hội đồng chuyên gia y đức và nhà phát triển vaccine", nghiên cứu viết.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, hơn 100 "ứng cửa viên" vaccine được đăng ký với WHO. Đến nay, ít nhất 8 loại đã đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Những vấn đề đặt ra hiện nay là theo dõi phản ứng miễn dịch và và phương thức sản xuất đại trà, lưu trữ và phân phối.
Tháng trước, WHO cũng khởi động một chiến dịch toàn cầu với tên gọi Đoàn kết để đẩy mạnh quá trình điều chế vaccine và phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả.
Thục Linh (Theo SCMP)