From: NGUYEN phuctien (DSI Siege)
To: bltths@vnexpress.net
Sent: Thursday, August 07, 2003 3:04 PM
Subject: Xin dong gop y kien ve Bo luat To tung hinh su
1. “Xử đúng người, đúng tội, tránh oan sai và không bỏ lọt tội phạm” là mục tiêu lý tưởng của tất cả các nền tư pháp trên thế giới chứ không chỉ Việt Nam. Tuy nhiên thực tế không đơn giản, bởi nhiều trường hợp, cái được gọi là “chứng cứ” không rõ ràng, ai muốn hiểu, giải thích thế nào cũng được. Lúc đó cần áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội - rất gần với truyền thống nhân đạo của dân tộc ta. Vì vậy nguyên tắc này cần phải được đưa vào BLTTHS.
2. Về quyền của người bị giam giữ để điều tra, pháp luật một số nước trên thế giới quy định cảnh sát khi tiến hành bắt giam phải thông báo cho người bị bắt biết: đối với những câu hỏi bắt lỗi cho họ, họ có quyền giữ im lặng. Bởi bổn phận của cảnh sát là phải chứng minh người kia đã vi phạm pháp luật.
Ở nước ta, tuy pháp luật có nghiêm cấm những hành vi bạo lực, nhục hình, tra tấn để bức cung, ép cung nhưng đó chỉ là quy định trên văn bản. Trong rất nhiều vụ án hình sự (kể cả vụ án Năm Cam), một số bị cáo đã khai trước tòa là bị ép cung, nhưng dường như lời khai của họ không được chú ý. Không ai đặt vấn đề điều tra xem liệu tố giác đó là đúng hay sai. Chỉ những trường hợp bị án, người bị tạm giam bị đánh chết trong trại giam mới được điều tra, nhưng hình phạt dành cho những người thực thi pháp luật phạm tội thường rất nhẹ. Nhiều người không ngần ngại tuyên bố: “Không đánh nó không chịu khai”. Điều này không chỉ gây oan sai mà còn dung dưỡng những mối nguy hiểm cho xã hội. Những người có thói quen sử dụng bạo lực trong khi thi hành nhiệm vụ thì cuộc sống đời thường của họ cũng vậy. Chuyện công an để “súng bị cướp cò” gây chết người hoặc làm bị thương người khác không còn là chuyện hiếm.
Tôi mong rằng BLTTHS cần quy định chi tiết hơn, thực tế hơn quyền của người bị giam giữ.
3. Một vấn đề khác liên quan đến hoạt động xét xử là định danh tội phạm. Bộ luật Hình sự hiện hành liệt kê nhiều tội danh với mức án rất khác nhau, song về hành vi rất giống nhau. Chỉ cần lập luận một chút là chuyển được từ tội nặng sang nhẹ (hay ngược lại). Thậm chí trong cùng tội danh, mức án cũng rất co giãn dễ dẫn đến tùy tiện trong lượng hình. Điều này cần khắc phục khi sửa Bộ luật Hình sự.
4. Để đảm bảo công bằng trong xét xử, nhất là giữa công tố viên và luật sư, điều quan trọng nhất là phải xóa bỏ mọi sự ràng buộc, liên hệ giữa tòa án và VKS. Theo thông lệ từ trước đến nay, tòa chỉ xét xử những tội danh do VKS đề nghị. Sau đó HĐXX chỉ làm rõ một số chi tiết, xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong vụ án. Nếu trong quá trình xét xử, HĐXX phát hiện có tình tiết mới hoặc nhận định “khác về bản chất” so với hồ sơ của VKS thì HĐXX sẽ phải trả hồ sơ về cho VKS nghiên cứu thêm. Điều này đã hạn chế quyền của tòa rất nhiều, và như vậy rõ ràng không thể có được bình đẳng giữa luật sư và công tố.
Hơn nữa, trước khi vụ án được đưa ra xét xử, thường có các cuộc họp liên ngành: tòa án - công an - kiểm sát, xác định vụ án nào được đem ra xét xử và ước lượng ức án. Sự can thiệp quá sâu như vậy tạo ra sức ép và ảnh hưởng đến sự vô tư, công bằng và công minh của tòa án. Khi vụ án chưa bắt đầu mà các vị trong HĐXX đã có thành kiến “đây là một thằng tội phạm nguy hiểm” thì sự có mặt của luật sư tại tòa trở thành vô ích.