Ủng hộ việc tiêm thuốc độc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phân tích bắn tử tù thì phát huy được tính răn đe, nhưng xây pháp trường rất nan giải. Cả nước chỉ có 7 pháp trường vì chẳng ai muốn xây tại địa phương mình. Mặt khác, xử bắn gây áp lực tâm lý cho cả tử tù và người thi hành án, có người cách 5-7 m vẫn bắn trượt. Tử tù chết không được toàn thây khiến gia đình rất đau đớn.
"Có người đề xuất hình thức treo cổ, nhưng dã man quá. Cho ngồi ghế điện thì tàn nhẫn và đáng sợ, lại vẫn gây áp lực tâm lý cho phạm nhân và người thi hành án", bà Nga nói và kết luận tiêm thuốc độc là hình thức tử hình nhân đạo nhất. Người thi hành án chỉ cần bấm nút tự động để tiêm thuốc cho tử tù. Xác tử tù còn nguyên vẹn. Theo bà, hình thức này vừa đơn giản, vừa khắc phục những hạn chế của việc xử bắn, hay ghế điện, và lại phù hợp với xu thế quốc tế.
"Tiêm thuốc độc cho tử tù là nhân đạo nhất", đại biểu Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: TTXVN. |
"Mỗi hình thức có những mặt ưu và nhược điểm riêng. Xử bắn có tính răn đe cao, nhưng khó khăn trong xây pháp trường và ảnh hưởng tâm lý không tốt tới người thi hành án. Tiêm thuốc độc khắc phục được hạn chế trên, nhưng lại không có tính răn đe", đại biểu Nguyễn Thanh Toàn phân tích và ủng hộ đề xuất của Chính phủ là áp dụng cả hai hình thức tử hình gồm bắn và tiêm thuốc độc.
Thấu hiểu tâm trạng của người thi hành án, Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng Trần Bá Thiều lên tiếng: "Tước đi mạng sống con người là việc cực kỳ khó khăn, phức tạp. Tử tù trước khi ra pháp trường lương tâm thường được thức tỉnh, họ trở nên rất thánh thiện. Vì thế, chẳng ai muốn phải làm nhiệm vụ tước đi mạng sống của họ". Ông Thiều cho rằng, kể cả tiêm thuốc độc, hình thức được cho là nhân đạo nhất, thì người bấm nút tiêm cũng rất day dứt.
Khẳng định chính bản án tử hình đã đủ sức răn đe, trấn áp tội phạm, chứ không phải là hình thức tử hình xử bắn, Giám đốc Công an Hải phòng mạnh dạn đề xuất một hình thức mới, nhân đạo hơn rất nhiều, là phạt tù suốt đời, không cho tử tù được giảm án. Cơ sở của đề xuất này, theo ông là một nghiên cứu cho thấy nuôi tử tù không tốn kém, thậm chí còn rẻ hơn so với việc xây pháp trường để xử bắn.
Ý kiến của độc giả VnExpress.net về các hình thức tử hình. |
Dự luật quy định tử tù được quyền hiến mô, xác cho nghiên cứu khoa học. Quy định như vậy xuất phát từ tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam là trước khi chết cho phép tử tù được làm một việc có ích cho đời. Tuy nhiên, điều này đã không nhận được sự đồng thuận.
Đại biểu Nguyễn Thanh Toàn và Ngô Minh Hồng đều cho rằng số tử tù mong muốn hiến mô tạng không nhiều. Nếu đã xử bắn thì không thể hiến tim, gan hay não. Nếu tiêm thuốc độc rồi mới hiến thì chất lượng mô không đảm bảo. "Nếu hiến mô trước khi tử hình thì về mặt y đức, nhân văn rất có vấn đề. Ta vẫn quan niệm người chết phải toàn thây", bà Hồng nói và đề nghị bỏ quy định hiến mô, xác của tử tù.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Thiều cho rằng, hiến mô trước khi tử hình chẳng khác nào việc "hành quyết" ghê rợn. Người được hiến mô cũng rất ngần ngại khi tiếp nhận từ tử tù. Đại biểu Hoàng Ngọc Thái bổ sung: "Không cho họ quyền sống thì cũng nên để cho về với đất được toàn thây. Đừng để một bộ phận nào trên cơ thể họ còn tiếp tục sống. Sự nhân đạo không phải ở chỗ hiến mô".
Dự luật thi hành án hình sự sẽ được hoàn thiện và dự kiến thông qua vào kỳ họp đầu năm 2010.
Hồng Khánh