Công ty cổ phần Tập đoàn TNT (TNT Group) vừa gửi Thủ tướng đề xuất nhập khẩu cát từ Campuchia làm vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
TNT Group cho biết doanh nghiệp được Campuchia cấp phép khai thác cát trên dòng Mekong trữ lượng lớn nhất với hàng trăm triệu m3, mỗi ngày nhập 30.000-50.000 m3 cho các mục đích. Do vậy, doanh nghiệp cam kết đáp ứng đủ nhu cầu của các dự án cao tốc ở ĐBSCL về số lượng, chất lượng và giá cả.
"Nếu kiểm soát được khai thác cát lậu, cạnh tranh đúng luật, tôi cho rằng việc nhập khẩu cát hiệu quả hơn khai thác trong nước", ông Nguyễn Gia Long, Chủ tịch TNT Group nói, cho biết thêm cát nhập khẩu chưa được đưa vào danh mục vật liệu xây dựng cao tốc và việc đưa vào các dự án phải qua nhiều khâu trung gian khiến giá bị đẩy lên cao. Trong khi đó, các dự án cao tốc ở ĐBSCL lại đang thiếu hụt cát làm vật liệu san lấp.
Do vậy, công ty này nêu hai kiến nghị. Thứ nhất, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành cho phép thí điểm đưa nguồn cát nhập khẩu thay thế nguồn cát thiếu hụt cho các dự án cao tốc ở ĐBSCL. Thứ hai là tạo cơ chế thuận lợi về thủ tục hành chính, vận tải cũng như nguồn tín dụng để doanh nghiệp có thể nhập khẩu cát số lượng lớn.
Trước đề xuất trên, đại diện Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết về quy chuẩn kỹ thuật, cát nhập khẩu từ Campuchia hoàn toàn có thể làm vật liệu san lấp khi đáp ứng đủ yêu cầu pháp lý về nhập khẩu.
"Trong thời gian chờ đợi khai thác nguồn cát biển trong nước làm vật liệu san lấp thì đó có thể là giải pháp. Tuy nhiên, tôi cho rằng vấn đề ở đây đơn thuần là bài toán kinh tế của doanh nghiệp do chi phí vận chuyển cát từ Campuchia sẽ lớn hơn so với khai thác nguồn trong nước", đại diện Vụ Vật liệu xây dựng nhận định.
Về khai thác cát biển thay thế cát sông làm vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc phía Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện đề án nghiên cứu, dự kiến năm nay sẽ có kết quả ban đầu. Tuy nhiên, việc khai thác và sử dụng cát biển quy mô lớn sẽ không thể trước năm 2025.
Trả lời đề xuất của TNT Group, Văn phòng Chính phủ đã có phiếu chuyển đề nghị các bộ Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải nghiên cứu, đề xuất giải quyết.
Lượng cát đổ về từ thượng nguồn Mekong vào Việt Nam qua sông Tiền (Tân Châu, An Giang và Hồng Ngự, Đồng Tháp) và sông Hậu (Châu Đốc, An Giang) ước tính 2-4 triệu m3, thấp hơn nhiều so với ước tính trước đây là 6,8-7 triệu tấn.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng cát làm vật liệu san lấp hiện nay ở ĐBSCL rất lớn, nguồn cung tại chỗ hạn chế khiến nhiều tuyến cao tốc trọng điểm nguy cơ chậm tiến độ. Đơn cử, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 110 km cần 18,1 triệu m3 cát nhưng mới được cung ứng gần 1,5 triệu m3 (8%) khiến công trình chậm tiến độ 3 tháng.
TNT Group có trụ sở ở Hà Nội, kinh doanh đa lĩnh vực gồm bất động sản, thương mại, xuất nhập khẩu khoáng sản. Đây cũng là một trong số doanh nghiệp nhập khẩu cát xây dựng, san lấp từ Campuchia về Việt Nam và đi nước thứ ba.