Theo Bí thư Huyện ủy Bắc Hà Nguyễn Duy Hòa, trước ngày bão Yagi đổ bộ tỉnh Quảng Ninh, gây mưa lớn cho miền Bắc, huyện xác định các xã ven sông Chảy như Cốc Li, Cốc Lầu, Bản Lúc, Bảo Nhai và địa chất yếu toàn đất cát như Nậm Khánh, Bản Liền nằm trong vùng báo động về ngập lụt, sạt lở. Chính quyền cấp tốc di dời hàng nghìn hộ dân.
Nhưng những vị trí hàng trăm năm qua an toàn thì nay sạt lở nặng nhất. Nhiều gia đình sơ tán đến lại bị vùi lấp. "Hậu quả nằm ngoài mọi suy nghĩ, dự đoán. Thiệt hại bằng hơn 5 năm thu ngân sách", ông Hòa nói, cho biết huyện Bắc Hà thu ngân sách năm 2023 hơn 300 tỷ đồng, bão Yagi quét đi hơn 1.700 tỷ.
Thống kê toàn huyện có hơn 1.800 hộ với 8.000 nhân khẩu - khoảng 10% dân số, nằm trong vùng sạt lở. Trên 500 hộ trong số này có khả năng quay lại nơi cũ. Hai khu tái định cư tập trung Kho Vàng, xã Cốc Lầu và Nậm Tông, xã Nậm Lúc giải quyết được nhu cầu nhà ở cho hơn 100 hộ. Còn lại 1.200 hộ phải tìm nơi ở mới.
Số hộ phải di dời "nhiều chưa từng có" đặt lên vai chính quyền áp lực tìm chỗ an toàn cho dân cùng giải quyết an sinh, không để hộ nào không có Tết. Ngày Bí thư Hòa xuống cơ sở, tối về huyện họp. Những cuộc bàn thảo tới gần nửa đêm với đủ thành phần cán bộ phụ trách. Hai phương án tái định cư tập trung và phân tán được đặt lên bàn với nhiều tranh luận, cân nhắc.
Phương án tập trung ban đầu chiếm ưu thế với chủ trương "cứ có nguồn lực sẽ làm". Ngoài hai khu tái định cư tập trung Nậm Tông và Kho Vàng đang xây dựng theo tình huống khẩn cấp, Bắc Hà đề xuất thêm 10 vị trí khác. Cán bộ huyện trực tiếp xác minh, đại diện sở ngành nông nghiệp, xây dựng Lào Cai đi cùng.
Những cuộc họp lấy ý kiến người dân được tổ chức, hầu hết mong tập trung thay vì tự tìm đất, dựng nhà bởi nhà nước đầu tư sẵn giao thông, hạ tầng điện, nước. Nhưng Bí thư huyện thừa nhận khó có khả năng triển khai vì thiếu nguồn lực, vướng quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất và không giải quyết hết nhu cầu của người dân, nhất là sinh kế khi tách đồng bào khỏi nơi sản xuất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - một trong những cơ quan được lấy ý kiến, đồng ý với Bắc Hà ba điểm tái định cư tập trung, tức chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu, chưa kể còn ý kiến từ bộ ngành khác.
Về mặt bằng, một số vị trí quy hoạch đất ở trước đây hiện sạt lở nặng không thể bố trí dân vào đó. Những nơi khác lại đụng vào rừng phòng hộ, muốn làm phải lập dự án để xin tỉnh và trung ương cho phép chuyển đổi. Quy trình này mất ít nhất 3-6 tháng, khó xé rào, chưa kể còn liên quan đấu thầu, kỹ thuật xây dựng.
"Xoay đi xoay lại cuối cùng quay về tái định phân tán, để dân tự tìm đất dựng nhà theo cảm nhận an toàn. Chính quyền hỗ trợ thủ tục và một phần kinh phí", ông Hòa cho hay, thêm rằng vị trí nào không thể phân tán mới làm tập trung.
Thay vì chi khoảng một tỷ đồng cho mỗi ngôi nhà ở khu tái định cư tập trung, Bắc Hà ưu tiên phương án tái thiết tại chỗ. Khoảng 120 hộ nhà sập hoàn toàn được hỗ trợ 100 triệu đồng, hơn 800 nhà bị hư hại phải sửa chữa nhận mỗi hộ 25 triệu, mỗi hộ phải di dời 80 triệu đồng.
Bắc Hà vận động gia đình có đất chưa sử dụng ngay thì đổi hoặc bán cho nhà cần kíp, giá cả hai bên tự thỏa thuận. Chính quyền hỗ trợ các thủ tục địa chính liên quan như đo đạc, cấp giấy chứng nhận. Để giảm thấp nhất chi phí xây dựng, công an, dân quân, thanh niên giúp dân dựng nhà, tái sử dụng vật liệu từ nhà cũ.
Trong tháng 10, toàn bộ 18 xã sẽ lập xong danh sách, tình trạng từng nhà để huyện chi tiền đúng và trúng. Tái định cư phân tán phù hợp với nguồn lực và điều kiện thực tế, nhưng lãnh đạo huyện canh cánh nỗi lo tái sạt lở. "Cảm nhận an toàn" như lời Bí thư huyện là phụ thuộc vào sự quan sát, kinh nghiệm của người dân, hoàn toàn không có đánh giá từ nhà khoa học hay chuyên gia địa chất.
Bài toán tái định cư sau thiên tai không phải chuyện riêng của Bắc Hà mà của nhiều địa phương như Yên Bái, Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Nam. Nằm ở địa hình đồi núi cao, nhiều sông suối, xã Trà Don, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam có 60% rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất. Sau đợt sạt lở tháng 11/2021, để tái định cư cho gần 60 hộ người dân tộc Ca Dong ở làng Tăk Tố, chính quyền đã phải mất nhiều thời gian, công sức.
"Ai cũng nghĩ miền núi đất rộng người thưa nên không thiếu chỗ dựng nhà ở, nhưng thực tế nan giải vô cùng. Toàn bộ diện tích của xã là đồi núi, không có nơi nào bằng phẳng rộng khoảng nửa hecta", ông Lê Trung Thực, Chủ tịch xã Trà Don nói. Chính quyền cùng người dân sau đó phải khảo sát tìm vị trí.
Một khu đất nằm trong rừng phòng hộ cách làng Tăk Tố khoảng 5 km được đề xuất. Tuy nhiên, muốn xây dựng khu tái định cư, chính quyền cần chuyển đổi đất rừng sang đất ở và đầu tư đường, điện, nước, điểm trường. Trong khi đó rừng phòng hộ chuyển qua đất ở bắt buộc thông qua nhiều cơ quan, ban ngành đồng ý, thủ tục kéo dài. Chuyển đổi xong đất rừng còn phải san ủi mặt bằng, mở đường, điện, kéo nước. Vì thế khu đất đã không được lựa chọn.
Chủ tịch xã Trà Don lý giải thêm đầu tư một khu tái định cư ở miền núi không liên quan đến rừng phòng hộ ít nhất mất gần 3 năm. Trong đó quy trình thủ tục mất 6 tháng để đấu thầu và hơn 2 năm gồm san lấp mặt bằng, thi công đường giao thông, điện, nước. "Tái định cư mà không có hạ tầng thì dân sẽ không chịu di dời đến. Còn vướng đến rừng thì chưa biết đến khi nào xong", ông Thực nói.
Sau một tháng họp bàn nhưng chưa có giải pháp hiệu quả, chính quyền xã Trà Don quyết định tái định cư dọc tuyến đường liên thôn. Bởi đường bêtông đã có, điện lưới được kéo đến, nguồn nước đấu nối từ làng cũ về. "Phương án này xã xác định không thể xong trong một sớm, một chiều, song là tối ưu so với việc đầu tư bố trí tập trung một khu tái định cư", ông Thực nói.
Phó chủ tịch huyện Nam Trà My Trần Văn Mẫn cũng cho rằng việc tìm mặt bằng tái định cư an toàn, không bị sạt lở không hề đơn giản với miền núi. Huyện có 80% diện tích là đồi núi cao, nhiều sông suối, độ cao trung bình 500-1.000 m, dốc 25 độ. Toàn huyện không có một đồi mồ côi (đồi độc lập) để san gạt tạo mặt bằng tái định cư. Núi liền núi, nếu san ủi chỗ này thì sẽ gây sạt lở bên cạnh.
"Có được nơi bằng phẳng vài hecta là vô cùng khó nên khu tái định cư phải giật cấp", ông giải thích.
Một yếu tố khác, huyện Nam Trà My chiếm 97% là người dân tộc thiểu số, tập quán sinh sống gần nguồn nước, nương rẫy. Dân cư phân bố nhỏ lẻ ở các đỉnh núi, mỗi làng vài chục hộ dân. Dân cư ít, nhưng là những cộng đồng đoàn kết nên không chịu tách rời khi đến nơi ở mới.
"Xây dựng khu tái định cư rồi bắt dân di dời đến họ không chịu. Vì thế trước khi xây phải 100% hộ dân đồng thuận thì mới triển khai", ông Mẫn nói, thêm rằng lựa chọn khu tái định cư đáp ứng yếu tố gần nương rẫy, sống ở nơi người dân quen thuộc. Mặt bằng do người dân chọn, các ngành chức năng huyện khảo sát, đánh giá không vi phạm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để sau này còn cấp sổ đỏ.
Để hạn chế rủi ro thiên tai cũng như giảm áp lực khi tìm chỗ tái định cư, lãnh đạo huyện Bắc Hà, Nam Trà My đề nghị các cơ quan quản lý, nhà khoa học nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào khảo sát, dự báo tác động, xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai chi tiết để người dân phòng tránh. Chính quyền thuận lợi trong di dời, sắp xếp dân cư cũng như lập kế hoạch ứng phó.
Hoàng Phương - Đắc Thành - Gia Chính