Sở Giao thông Vận tải TP HCM vừa đề xuất cấm xe khách giường nằm vào nội đô 6-22h hàng ngày và từ năm 2025 sẽ hạn chế thêm ôtô trên 30 chỗ (hoặc trên 16 chỗ) để hạn chế ùn tắc và giải quyết tình trạng "bến cóc, xe dù"... Khu vực cấm xe được giới hạn bởi các tuyến: quốc lộ 1 - Nguyễn Văn Linh ở hướng Bắc, Tây và Nam; đường Võ Chí Công - Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ - xa lộ Hà Nội ở hướng Đông.
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Uỷ viên MTTQ Việt Nam TP HCM, cho rằng việc cấm xe khách lớn là cần thiết để giúp khu vực nội đô thông thoáng. Tuy nhiên, để thực hiện kế hoạch này, ngành giao thông cần tổ chức mạng lưới trung chuyển phù hợp để thuận lợi cho người dân. Thành phố cũng nên tính toán dùng các loại xe buýt nhỏ hơn, góp phần hạn chế ùn tắc và tránh lãng phí vì nhiều ôtô hiện chỉ chạy rỗng hoặc chỉ vài khách.
Tuy nhiên, theo ông Ninh, việc cấm xe khách vào nội đô chưa hẳn giải quyết được vấn đề "bến cóc, xe dù" như mục tiêu Sở Giao thông Vận tải thành phố đặt ra. Bởi việc này phụ thuộc vào vai trò quản lý của chính quyền địa phương và các đoàn kiểm tra liên ngành. "Tình trạng này thời gian qua chưa được xử lý triệt để cho thấy vai trò của cơ quan quản lý còn hạn chế", ông Ninh nói.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô khách du lịch TP HCM Lê Trung Tính cho biết ủng hộ đề xuất của Sở Giao thông Vận tải vì xe khách cỡ lớn chiếm nhiều diện tích mặt đường. Tuy nhiên, khi hạn chế xe trên 30 chỗ, thành phố cần cân nhắc vì ảnh hưởng nhiều đến loại xe hợp đồng nhu cầu rất lớn.
Theo ông Tính, điều kiện kinh doanh của ôtô chạy hợp đồng đã rất chặt chẽ, như phải có danh sách người đi; trên xe gắn GPS, camera; trước khi xuất phát phải thông báo cho Sở Giao thông Vận tải kiểm tra... Do vậy, việc cấm xe trên 30 chỗ tác động nhiều đến quyền lợi của người dân khi đi lại, nhất là những người ở nội đô thành phố. Nếu cần thiết hạn chế loại xe này, thành phố nên loại trừ áp dụng với các chủ xe có địa chỉ ở nội đô.
Về phía các doanh nghiệp vận tải, ông Đào Viết Ánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang, cho rằng việc cấm xe khách lớn vào nội đô nên được thực hiện từ lâu. Bởi mật độ loại xe này đang dày đặc, gây mất trật tự các tuyến đường ở trung tâm, vốn đã quá tải. Chưa kể, nhiều xe chạy dạng hợp đồng, du lịch, song điểm đón trả khách như các tuyến cố định.
"Điều này ngoài gây ra sự cạnh tranh không công bằng còn khiến thành phố thất thu nguồn thuế lớn", ông Ánh nói.
Trong khi đó, một lãnh đạo Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, cho biết trước đây bến từng kiến nghị nên sớm cấm xe khách lớn vào nội đô bởi các tuyến đường ở trung tâm ngày càng quá tải, ngột ngạt. Đáng chú ý, xe giường nằm loại lớn thời gian gần tăng rất nhanh, song số chỗ lại ít nên khi ra vào khu trung tâm càng gây thêm ùn tắc. Phần lớn loại xe này không theo dạng hợp đồng, du lịch mà ra vào nội đô đều đón trả khách trái quy định.
"Tuy nhiên, sau khi cấm xe giường nằm, thành phố nên áp dụng cả với ôtô trên 16 chỗ mới giải quyết căn cơ vấn đề thay vì chỉ cấm xe trên 30 chỗ", đại diện Bến xe Miền Đông nói.
Thành phố hiện có hơn 100 điểm đón trả khách ở trụ sở, bãi xe, cây xăng... Trong đó, nhiều chỗ các xe núp bóng chạy hợp đồng, du lịch nhưng hoạt động như những tuyến cố định, ảnh hưởng các xe trong bến. Một số khu vực như đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh); quốc lộ 1, 13 (TP Thủ Đức); sân bay tân Sơn Nhất (quận Tân Bình)... xe đón trả khách sai quy định thường diễn ra. Đây là những địa điểm tập trung nhiều văn phòng bán vé của các nhà xe, cấm ôtô dừng đậu nhưng nhiều hãng vẫn bất chấp đến đón trả khách.
Tính đến cuối năm 2021, TP HCM quản lý hơn 35.000 xe khách. Trong đó, ôtô hoạt động ở 5 bến liên tỉnh tại thành phố lộ trình cố định không qua khu trung tâm, chỉ những xe chạy hợp đồng, du lịch ra vào. Trụ sở nhiều nhà xe nằm ở các quận 5, 10, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh...
Gia Minh