Ông Vũ Đức Đam tại buổi tọa đàm do Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam tổ chức. Ảnh: T.H. |
Những hãng phần mềm lớn trên thế giới như Microsoft thường kết hợp với các nhà sản xuất thiết bị gốc, giúp khách sử dụng sản phẩm chính thức với giá thấp. Nếu doanh nghiệp phần cứng - phần mềm Việt Nam liên kết chặt chẽ như vậy ở khâu bán hàng thì cũng có thể giúp giảm nạn vi phạm bản quyền.
Hiện nay, hầu hết người sử dụng Việt Nam vẫn có thói quen dùng hàng "crack" vì giá quá rẻ, chỉ 5.000 - 7.000 đồng cho một đĩa CD sao chép. Tuy nhiên, họ có thể gặp lỗi phần mềm hoặc bị mã độc tấn công khi chưa nâng cấp kịp thời, mà những tính năng cập nhật tự động chỉ có ở bản chính thức.
Trước đây, ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng đại học Bách Khoa Hà Nội, cung cấp BKAV một cách miễn phí. "Nhưng khi bán được sản phẩm thương mại BKAV Pro, anh em có thêm nguồn tài chính nên sáng tạo thoải mái hơn và hỗ trợ khách hàng ở mức cao hơn nhiều", ông nói.
Tỷ lệ vi phạm bản quyền cao đã khiến nhiều công ty lớn ngần ngại đầu tư viết phần mềm để bán trong nước. "Hơn 20 năm qua, chúng tôi chỉ tập trung gia công theo đơn đặt hàng của các đối tác", ông Trương Gia Bình, Tổng giám đốc tập đoàn FPT, cho biết.
Việc giảm thiểu tình trạng vi phạm bản quyền gắn liền với mức tăng trưởng doanh thu của ngành phần mềm đã trở thành quy luật. Theo ông Tarvn Sawney, chuyên gia nghiên cứu của Liên minh phần mềm doanh nghiệp BSA, khi Trung Quốc giảm tỷ lệ vi phạm phần mềm từ 86% xuống còn 82%, họ tăng được 2 tỷ USD doanh thu.
Số liệu của tổ chức nghiên cứu thị trường IDC cho thấy, khi Việt Nam giảm được tỷ lệ này từ 92% (năm 2002) xuống còn 88% (năm 2006), ngành phần mềm tạo ra được 4.097 việc làm, 1 tỷ USD cho GDP và 726 triệu USD cho các nhà bán lẻ địa phương.
Có ý kiến cho rằng để thực hiện bảo vệ bản quyền tốt, các cơ quan và công ty nên nghĩ đến phần mềm mã mở với giá thấp. "Tuy nhiên, chúng ta không phân biệt phần mềm mã mở hay đóng mà hãy tạo cơ hội chọn lựa cho người sử dụng, miễn sao họ thấy tốt cho tổ chức của mình", ông Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, nói. "Điều đó sẽ thúc đẩy một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa nhiều hãng công nghệ trong nước và nước ngoài".
"Điểm quan trọng nhất khi chúng ta thực hiện tốt việc chống vi phạm bản quyền là xây dựng được hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế, từ đó họ mới đầu tư cho Việt Nam", ông Đam chia sẻ.
Thuỳ Hương