Sáng 29/11, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc phổ biến nội dung Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đồng bằng sông Hồng luôn là địa bàn cốt lõi của vùng Thủ đô, có ý nghĩa chiến lược, quan trọng bậc nhất về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Đồng bằng sông Hồng là cửa ngõ phía bắc của Việt Nam và ASEAN để phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc; có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ và tốt nhất cả nước về cả đường bộ, đường biển, đường sông, hàng không, đường sắt. Đây cũng là một trong ba vùng động lực phát triển kinh tế cả nước, có Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ lớn nhất của cả nước.
Đây cũng là vùng đất châu thổ sông Hồng màu mỡ, giàu tiềm năng, với nền văn minh lúa nước, nhiều di sản văn hóa. Tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đang trở thành trụ cột phát triển của vùng và cả nước.
![Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng, sáng 29/11. Ảnh: Nhật Bắc](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/11/29/d32eac497656af08f647-3530-1669716019.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HhhvOnquaz1CSd_Eopmm1g)
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng, sáng 29/11. Ảnh: Nhật Bắc
Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của vùng phát triển chưa tương xứng, quy mô kinh tế nhỏ, ngành sản xuất công nghệ hiện đại tỷ lệ thấp; đô thị phát triển khá nhưng còn tự phát; ô nhiễm môi trường xu hướng nặng hơn. Thực tế này đặt ra yêu cầu tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị khóa IX, Kết luận số 28 của Bộ Chính trị khóa XI và ban hành Nghị quyết mới về phát triển đồng bằng sông Hồng để góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đột phá.
Nghị quyết có nội dung hoàn toàn mới là xác định rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030, vùng đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và hệ thống đô thị thông minh, kết nối.
Cùng với đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước. Thủ đô Hà Nội là thành phố văn hiến - văn minh - hiện đại; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Đến năm 2045, đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm hàng đầu của cả nước về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, thông minh và một số trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới.
Hệ thống đô thị của vùng liên kết thành mạng lưới, thông minh, xanh, bền vững. Người dân có thu nhập cao, đời sống hạnh phúc và thịnh vượng. Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển ở khu vực và thế giới.
Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Chính trị đề ra năm vấn đề cần chú ý. Trong đó, các cấp, ngành cần nhận thức đúng và giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và chung cả nước. Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương. Đồng bằng sông Hồng cũng cần tham gia hiệu quả hợp tác với Trung Quốc, ASEAN, Đông Bắc Á.
Theo Tổng bí thư, vùng cần khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống văn hiến, yêu nước; chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường; phấn đấu tăng trưởng kinh tế luôn dẫn đầu cả nước, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển vùng phải được đẩy mạnh.
Quy hoạch vùng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cần theo hướng xanh, bền vững, toàn diện; gắn phát triển nông nghiệp và công nghiệp, dịch vụ; phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; bảo vệ môi trường; hình thành chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của vùng; ưu tiên ngân sách và kết hợp với huy động các nguồn lực xã hội đầu tư công trình trọng điểm có sức lan tỏa.
![Từ trái: Thủ tướng Phạm Minh Chính; Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, dự hội nghị, sáng 29/11. Ảnh: Nhật Bắc](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/11/29/c1b74815f80a2154781b-4537-1669716019.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wE3s7PMq3hUEgGqGotQOBg)
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (bìa phải), Thủ tướng Phạm Minh Chính (bìa trái) trước giờ hội nghị sáng 29/11. Ảnh: Nhật Bắc
Đồng bằng sông Hồng phải chú trọng xây dựng cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh, chuyên nghiệp, sáng tạo; khuyến khích và bảo vệ cán bộ mạnh dạn đổi mới, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; khơi dậy tinh thần cống hiến của cán bộ, công chức.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ nhanh chóng ban hành chương trình hành động triển khai Nghị quyết; giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành ở trung ương và địa phương trong vùng.
Ông tin tưởng đồng bằng sông Hồng sẽ phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng và tài năng, phẩm chất tốt đẹp của người Bắc Hà, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết. "Cần kiên quyết khắc phục tình trạng Nghị quyết thì thật là hay, xem ra thực hiện còn gay trăm bề", Tổng bí thư nhấn mạnh.
Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành, được chia thành hai tiểu vùng là Bắc đồng bằng sông Hồng (cũng là Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ), gồm 7 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên; Nam đồng bằng sông Hồng, gồm 4 tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
Vùng rộng 21.200 km2, dân số 23 triệu, thu nhập bình quân đầu người cao hơn 1,3 lần bình quân cả nước; tổng thu ngân sách chiếm gần 33% cả nước.