Thảo luận tổ tại Quốc hội chiều 2/11 về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết rất băn khoăn khi chưa có quy định về bảo hiểm xã hội bắt buộc cho lao động làm việc trên các nền tảng công nghệ chia sẻ.
"Người giao hàng, xe ôm, taxi công nghệ đều làm việc theo dạng hợp đồng liên kết với công ty công nghệ. Đây là một dạng lao động làm việc theo hợp đồng chứ không phải lao động tự do", bà Thúy nói.
Theo nữ đại biểu, nhóm lao động này bị ảnh hưởng rất nhiều từ chính sách của công ty công nghệ "bởi chỉ cần nhúc nhích một vài phần trăm tỷ lệ ăn chia là đã phát sinh mối quan hệ lao động". Đơn cử ở TP HCM từng xảy ra nhiều vụ tài xế xe công nghệ đồng loạt tắt ứng dụng (app) để phản đối công ty thu tỷ lệ % quá cao. Đây có thể coi là ngừng việc tập thể của người lao động.
Tuy nhiên, Bộ Luật Lao động hiện hành chưa quy định nhóm này có giao kết hợp đồng nên không thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong điều kiện số lượng lao động làm việc cho các nền tảng công nghệ ngày càng tăng lên, bà Thúy đề nghị cơ quan soạn thảo quy định trong dự thảo luật sửa đổi là nhóm này có thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không
Đại biểu Trần Kim Yến, Bí thư Quận 1, TP HCM, cho rằng cần làm rõ mối quan hệ giữa lao động trên nền tảng công nghệ với công ty cung cấp dịch vụ. Khi trò chuyện với các lái xe công nghệ, bà được biết họ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhưng lái xe phải chi trả toàn bộ nên rất cao.
"Mức đóng bảo hiểm xã hội hiện nay là 32% tiền lương của lao động, trong đó lao động đóng 10,5%, doanh nghiệp đóng 21,5%. Lái xe công nghệ đang mang lại quyền lợi cho các công ty nên cần quy định trong dự luật", bà Yến đề xuất.
Theo quy định hiện hành, lao động làm việc trên nền tảng công nghệ chia sẻ không được trả lương từ phía các hãng xe công nghệ mà nhận thù lao từ khách hàng nên chỉ được xem là cộng tác viên, đối tác và không được ký hợp đồng lao động. Vì không được coi là người làm việc theo hợp đồng lao động nên họ không thuộc trường hợp đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Nếu được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, lao động làm việc trên nền tảng công nghệ chia sẻ chỉ phải bỏ một phần tiền, phần còn lại sẽ do công ty công nghệ đóng.
Tờ trình của Chính phủ quy định diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: người làm việc theo hợp đồng lao động từ một tháng; cán bộ, công chức, viên chức; công nhân, viên chức quốc phòng, công an, cơ yếu; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội; người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; người không hưởng lương từ ngân sách và đi theo chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; chủ hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh...
Cơ quan thẩm tra dự án luật - Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ quan điểm về việc tham gia bảo hiểm xã hội với nhóm lao động mới như: vừa là lao động vừa là người sử dụng lao động; lao động công nghệ; lao động tự do hoạt động chia sẻ công việc...