Người gửi: Vũ Minh Hồng
Gửi tới: Ban Văn hoá
Tiêu đề: Cần khiêm tốn, rộng lượng và khách quan khi bình tác phẩm này
Tôi đang rất bận, nhưng tò mò quá khi đọc hết 3 ý kiến của 3 người là Nguyễn Tuân, Duy Tuấn và Thanh Huyền. Thế là phải đọc hết truyện của NNT để xem hư thực. Tôi chỉ muốn nói với 3 bạn suy nghĩ của tôi dựa trên tính nhân văn của con người. Tôi nhận thấy 3 bạn tương đối nặng lời, trong đó đặc biệt là Thanh Huyền.
Nguyên Tuân thì khá bao dung, chỉ hơi nặng lời khi nói NNT "khai thác bản năng tính thú". Với Duy Tuấn, làm gì mà bạn quy chụp chuyện của Tư là "bức tranh tối màu về xã hội tại Việt Nam", nhưng cũng may là bạn còn "cảm nhận được cái hồn của tác phẩm" và bạn còn "rất buồn".
Riêng với Thanh Huyền, tôi muốn có nhiều lời hơn với bạn: Bạn ngạo mạn quá với nhận định "Tư đã không biết mình đang nghĩ gì, viết gì, và đã đánh mất mình trong những cao trào của các xúc cảm thái quá, trí tưởng tượng thái quá". Có ai dám khẳng định rằng, người "thiếu hiểu biết cuộc sống và chưa đủ trưởng thành" thì không thể có tài, không thể làm được cái gì đó để người lớn, người già dặn phải kính nể? Còn nữa, nếu một người trong xã hội có ý thức và hành động được như Tư, "làm nên một cái gì đó hay hay" thì xã hội đó đã phát triển lâu rồi. Bạn đã tự xem lại bản thân đã làm nên một cái gì đó hay cho xã hội chưa (được nhiều người thừa nhận, ít ra là như Tư, vào tuổi của Tư)? Nếu có, mong thư sau bạn hồi âm kể ra để mọi người và tôi được biết. Cuối cùng, bạn đã kể ra sự hiểu biết về những bất cập của nông dân Bắc bộ và đem cái nhận thức đó để phê phán Tư. Bạn cần biết rằng cấu trúc xã hội nông dân Nam bộ khác xa so với nông dân Bắc bộ, cả về đời sống thiên nhiên, bối cảnh kinh tế và thể chế chính trị một thời gian dài trước đây (khi chưa thống nhất Tổ quốc).
Thưa bạn Thanh Huyền, quê nội tôi ở một xã nghèo nhất của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Tôi đã sống 6 năm trong Nam Bộ, trong đó có 3 năm với rất nhiều thời gian ở và sống cùng người nông dân nghèo nhất vùng Đồng Tháp Mười - người dân xóm Cồn. Trong khi người nông dân nghèo nhất của miền Bắc có quả cà, dưa hay tương để ăn thì nông dân nghèo nhất của miền Nam chỉ "mắm kho quẹt" là thứ thức ăn phổ biến được pha chế: nước mắm, muối hột, nếu có thêm chút bột ngọt thì tuyệt vời, đảo qua lại đến khi chúng sệt lại là bắc xuống ăn. Người nông dân dùng đũa quẹt vào mắm đó để lấy nó, không ai xúc thìa cả vì nó mặn khủng khiếp, chỉ một chút dính đầu đũa đủ ăn cả bát cơm. Khi lấy mắm kiểu đó, cái đũa chạm nồi hay chảo tạo nên âm thanh quèn quẹt. Bạn đã được ăn thực sự một bữa cơm chỉ với "mắm kho quẹt" bao giờ chưa? Bạn có biết trong khi hầu hết nông dân nghèo Bắc bộ bằng mọi cách để có ruộng riêng làm ăn thì có một bộ phận nông dân nghèo Nam bộ chỉ muốn làm tá điền!
Nếu bạn "đến Cà Mau một lần" theo kiểu phỏng vấn, tham quan, hỏi chuyện người Nam Bộ thì may ra bạn biết được 1/1.000 sự thật. Bạn hãy sống tự nhiên cùng với họ một thời gian khoảng 6 tháng đến 1 năm không phải với tư cách "quan sát viên" hờ hững hay "phóng viên" rình rập họ.
Phải học cách biết rộng lòng với người khác, học cách khen người khác và học cách cảm nhận sự khó riêng của kẻ khác (không phải cái khó như của mình) để mà sống nhân văn hơn.
Vũ Minh Hồng