Bệnh nhân vào cấp cứu tại một cơ sở y tế ở TP HCM do đau bụng, tiêu chảy kèm sốt cao, hôm 10/4. Bác sĩ chẩn đoán viêm dạ dày - ruột và điều trị nội khoa. Hai ngày sau, tình trạng trở nặng, người bệnh sốt cao, khó thở nhiều, tình trạng tiêu chảy vẫn tiếp diễn. Rạng sáng 13/4, người bệnh cấp cứu tại Bệnh viện Gia An 115, sốt cao 39,5 độ C, thở nhanh, mạch nhanh, người lừ đừ.
ThS.BS.CK2 Trần Thanh Sang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, cho biết bệnh nhân bị hàng loạt vấn đề như sốc nhiễm trùng, nhồi máu cơ tim cấp, nhiễm trùng huyết, đường ruột, đái tháo đường có nhiễm toan ceton, tăng huyết áp và suy thận cấp.
"Tiên lượng khi ấy rất nặng", bác sĩ nói, ngày 16/5. Kíp điều trị phối hợp nhiều biện pháp điều trị tích cực, theo dõi sát sao các dấu hiệu sinh tồn.
Một ngày sau, bệnh nhân vẫn tiếp tục sốt cao, mạch nhanh, rối loạn nhịp, suy đa cơ quan, hôn mê... Nghi ngờ các triệu chứng của "cơn bão giáp", các bác sĩ chỉ định xét nghiệm chức năng giáp, kết quả cho thấy cường giáp rất nặng.
"Cơn bão giáp hiếm khi xảy ra, là tình trạng cấp cứu nghiêm trọng đe dọa tính mạng", bác sĩ nói. Nguy cơ tử vong càng cao khi bệnh nhân cao tuổi, lại đang ở trong thế "nghìn cân treo sợi tóc" với hàng loạt biến chứng nghiêm trọng khác.
Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa, ê kíp quyết định thực hiện lọc máu liên tục (CRRT) kết hợp thay huyết tương (TPE). Hai ngày liên tiếp, người bệnh được ứng dụng kỹ thuật này, theo dõi sát 24/24 giờ để có thể kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường.
Theo bác sĩ Sang, 10 ngày đầu kể từ khi nhập viện là khoảng thời gian "cân não" của ê kíp. Người bệnh phải lọc máu liên tục 4 lần và lọc máu thay huyết tương 2 lần, thở máy qua nội khí quản, tiên lượng rất nặng giữa lằn ranh sinh tử. Vừa theo dõi sát sao người bệnh, các bác sĩ vừa phải động viên người nhà bình tâm, kiên cường để có thể chung tay giành lấy sự sống. Hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn, bệnh viện hỗ trợ một phần chi phí để giảm bớt áp lực tài chính cho người nhà.
Ngày 3/5, tình trạng bão giáp, sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, nhiễm toan ceton đều tạm ổn. Các cơ quan trong cơ thể phục hồi, người bệnh được chuyển khỏi hồi sức tích cực, sang Khoa Nội Tim mạch - Tim mạch can thiệp. Sau khi điều trị bệnh lý tim mạch và các bệnh lý nền khác, người bệnh vừa hồi phục xuất viện.
"Một tháng qua, tình trạng mẹ tôi diễn biến xấu, nguy kịch tính mạng, gia đình lúc nào cũng thấp thỏm lo âu vì sợ mất mẹ bất cứ lúc nào", con gái của bệnh nhân nói, bày tỏ hạnh phúc vì mẹ vượt qua nguy hiểm, trở về sum họp cùng gia đình.
Theo bác sĩ Sang, bệnh nhân này có bệnh cường giáp, một số bệnh nền từ trước mà không hay biết. Khi vào viện cấp cứu vì nhiễm trùng đường ruột, sốc nhiễm trùng, hàng loạt vấn đề phối hợp khiến tình trạng trở nặng, rơi vào nguy kịch.
Bác sĩ khuyến cáo người có các bệnh lý nền như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, tuyến giáp... nên điều trị đúng theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát tốt bệnh. Việc chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện và điều trị hiệu quả các bệnh lý nền cũng có ý nghĩa quan trọng, từ đó giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng nặng nề rủi ro tính mạng.
Lê Phương