Báo cáo mới nhất của DKRA Việt Nam vừa chỉ ra điểm khác lạ tại thị trường TP HCM và vùng phụ cận. Trong tháng 5 vừa qua, các tỉnh giáp ranh TP HCM không ghi nhận nguồn cung căn hộ mới mở bán trên thị trường. Cùng với đó, tình hình bán hàng tại các dự án ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu đều có xu hướng kém sôi động. Đơn vị này đưa ra nhận định, thị trường vùng ven đã qua giai đoạn cao điểm.
Số liệu từ kênh thông tin bất động sản Vhome cũng chỉ ra, sức hút của thị trường vùng ven TP HCM đã giảm mạnh. Trong top 10 thị trường nhận nhiều lượt tìm kiếm nhất từ tháng 4 đến nay, TP HCM và Hà Nội chiếm gần 90%. Vùng phụ cận TP HCM chỉ có Biên Hoà và Thuận An lọt vào top 10 với lượt tìm kiếm chỉ bằng khoảng 4% và 3% so với TP HCM. Nhiều thị trường vùng ven còn ghi nhận lượt tìm kiếm giảm mạnh hơn 50% như Vũng Tàu, Bến Cát, Dĩ An, Thủ Dầu Một, Tân Uyên... Trong top 10 dự án nhận nhiều lượt tìm kiếm nhất Vhome, không có dự án nào nằm tại vùng ven TP HCM.
Theo báo cáo trước đó của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, sau Tết nguyên đán, nhiều địa phương đã xuất hiện "sốt đất". Một số nơi, giá bất động sản tăng 2-3 lần chỉ trong chưa đầy hai tháng khiến cho người dân bỏ việc kinh doanh, đem tiền dồn vào nhà đất. Nhiều môi giới không chuyên và dân địa phương lợi dụng thông tin quy hoạch, rao bán đất đai không phù hợp pháp luật. Nhưng từ cuối quý I đến nay, chính quyền nhiều địa phương đã vào cuộc, kiểm soát các hoạt động mua bán trái pháp luật, đồng thời cảnh báo người dân. Hội đánh giá, điều này đã giúp thị trường bớt nhiễu loạn.
Tuy vẫn là trụ cột nhưng thị trường căn hộ TP HCM cũng ghi nhận nhiều con số kém khả quan. Cụ thể trong tháng 5, DKRA Việt Nam chỉ ghi nhận 2 dự án mở bán, trong đó có một dự án mở bán giai đoạn tiếp theo. Thị trường cung cấp mới 374 sản phẩm, bằng 14% so với tháng trước. Cán cân lệch hẳn về phân khúc cao cấp và hạng sang tiếp tục rõ nét tại TP HCM với tỷ lệ lần lượt là 68% và 32% nguồn cung căn hộ. Sản phẩm mới tập trung chủ yếu tại TP Thủ Đức. Lượng tiêu thụ căn hộ ở mức khá thấp, đạt tỷ lệ khoảng 31%.
Các giao dịch thứ cấp trên thị trường cũng không sôi động, xoay quanh những dự án đã hoàn hiện pháp lý hoặc đang trong giai đoạn bàn giao với mức giá không thay đổi so với tháng trước. DKRA Việt Nam giải thích, tình trạng trên là do ảnh hưởng từ dịch bệnh gây sức ép lên tâm lý khách hàng.
"Cơn sốt" căn hộ vùng ven TP HCM tuy hạ nhiệt nhưng không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp địa ốc "hồi hương" về thị trường chiến lược. Thời gian qua, thị trường liên tiếp ghi nhận nhiều nhà phát triển bất động sản rời địa bàn truyền thống, mở rộng tầm ngắm đến tỉnh giáp ranh hoặc các địa phương "xa bờ". Cuộc đua bành trướng quỹ đất ra vùng ven tăng tốc mạnh mẽ, từ mức phổ biến nhất là các công ty chi hàng nghìn tỷ đồng gom đất vùng xa đến nay có trường hợp doanh nghiệp dành tỷ USD để thâu tóm quỹ đất giai đoạn 2020-2021.
Các doanh nghiệp vững về tài chính tiên phong trong xu hướng trên, nổi bật có Tập đoàn Novaland, Hưng Thịnh Land, Nam Long, Tập đoàn Đất Xanh... Trong đó, có đơn vị còn ngắm đến các địa phương cách TP HCM hàng trăm km như Cần Thơ, Bình Thuận, Lâm Đồng, thậm chí là "Bắc tiến". Ngay cả doanh nghiệp mới nổi là An Gia cũng bắt đầu dồn tiền cho kế hoạch thâu tóm quỹ đất vùng ven TP HCM và các địa phương khác.
Tất Đạt