Thứ năm, 21/11/2024
Thứ ba, 7/6/2022, 06:32 (GMT+7)

Căn hộ tối giản của gia chủ Nhật ở Hà Nội

Với diện tích hạn chế, chủ nhà hướng tới sự đơn giản và đa năng, nhằm tối ưu không gian nhưng vẫn tinh tế về thẩm mỹ.

Căn hộ 64 m2 trong khu chung cư thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội là nơi ở của một nữ gia chủ người Nhật. Do sống xa gia đình nên cô mong muốn nhà là nơi thân thuộc, có không gian rộng rãi để thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng.

Ưu điểm của căn hộ trước khi cải tạo là tầm nhìn thoáng đẹp, nhìn thẳng xuống hồ bơi và đường nội khu. Trước khi cải tạo căn hộ khá chật chội do chia tách không gian chưa hợp lý.

Để đáp ứng yêu cầu, nhóm kiến trúc sư đã thiết kế căn hộ theo phong cách kiến trúc Zen, sự kết hợp giữa những đặc điểm truyền thống Nhật Bản và phong cách tối giản (Minimalism).

Kiến trúc sư đã phá bỏ những bức tường ngăn, thay vào đó là khối tủ bếp, cửa trượt Shoji, hệ sàn nâng để chuyển đổi trạng thái không gian...

Công năng căn hộ gồm phần chung và phần riêng đan xen nhau. Ví dụ: bếp ngăn sảnh với phòng ăn và phòng khách; phòng trà lại vừa thuộc về sảnh vừa thuộc về khu bếp.

Gỗ sồi trắng được sử dụng chính trong căn hộ. Gỗ được lau dầu thay vì phun sơn để giữ được vẻ đẹp tự nhiên và an toàn cho sức khỏe người sử dụng.

Gạch ốp bê tông cốt sợi thủy tinh được sử dụng tại khu vực phòng khách và phòng ăn. Đây là loại vật liệu mới mang tính thẩm mỹ cao, được coi là một trong những phát minh cải tiến từ vật liệu bê tông thông thường.

Các đặc điểm kiến trúc nội thất như: hệ sàn gỗ nâng, cửa trượt Shoji, bàn trà đá tự nhiên, gạch ốp tường 4 lỗ… sử dụng trong căn hộ đều quen thuộc với người Nhật.

Ưu điểm của việc sử dụng cửa trượt Shoji là tạo điểm nhấn thẩm mỹ cho phòng trà, phòng ăn, phòng khách, phòng ngủ, lại tiết kiệm diện tích so với loại cửa mở cánh thông thường. Hệ khung gỗ tự nhiên và giấy Shoji truyền thống của Nhật có tính thẩm mỹ cao, bền, dai và xuyên sáng.

Ngoài ra, cửa trượt Shoji còn tạo không gian đóng mở linh hoạt cho gia chủ. Nếu muốn rộng rãi, chủ nhà có thể mở cửa tối đa, cánh cửa được xếp ẩn giấu sau tường tạo không gian mở và làm mất đi sự ngăn cách không gian. Ngược lại khi muốn riêng tư, chủ nhà có thể đóng cửa lại là đã có khoảng không gian ấm cúng.

Công việc của gia chủ khá căng thẳng nên thường xuyên thực hành thiền tại khu vực bàn trà để lấy lại cân bằng trong cuộc sống và nâng cao sức khỏe.

Ánh sáng của căn hộ được chia làm hai nguồn chính: ánh sáng tự nhiên và ánh sáng đèn.

Ban ngày, ánh sáng tự nhiên luôn tràn ngập. Hàng trúc khu ban công có tác dụng như bộ lọc không khí, bụi, tiếng ồn. Khi ánh nắng chiếu vào sẽ tạo độ xuyên sáng vừa tăng tính thẩm mỹ vừa giảm bớt độ chói chang của ánh nắng tới phòng khách.

Toàn bộ đèn sử dụng cho ngôi nhà đều được tính toán các chỉ số ánh sáng, vị trí đặt... nhằm tạo điểm nhấn phù hợp.

Tường và cửa nhà vệ sinh tại khu vực sảnh ốp bằng kính có tác dụng tạo cảm quan không gian như được mở rộng, giấu khu vệ sinh và khi bật đèn, ánh sáng phản chiếu qua gương tạo tính thẩm mỹ cao.

Bản vẽ căn hộ trước và sau cải tạo.

Thời gian cải tạo căn hộ là 45 ngày, tổng chi phí 500 triệu đồng.

Trang Vy
Kiến trúc sư: Bùi Thuần
Thiết kế và thi công: Eco House Design