Sáng 24/8, Hoàng Thu Đông, 20 tuổi, quê Nghệ An thức dậy muộn để tiết kiệm bữa sáng. Hơn một tháng nay, bữa ăn của thanh niên này phụ thuộc hoàn toàn vào những túi hàng từ thiện và đã nhiều ngày bị đói.
Đông ra Hà Nội làm công nhân từ đầu tháng 7, mới làm nửa tháng thì mất việc. Với 3 triệu đồng tiền lương, cậu biết chắc sẽ không đủ sống nên chuyển đến ở ghép với bạn và bốn công nhân khác. Được một thời gian ngắn, mọi người tìm cách về quê, Đông trơ trọi giữa thủ đô. Từng đi làm thuê từ năm 17 tuổi, có giai đoạn một mình ở Trung Quốc nhưng chàng trai này thừa nhận, đây là lần đầu tiên cậu cảm thấy bế tắc, không biết làm cách nào để nuôi sống nổi bản thân.
Biết hoàn cảnh của Đông, một người phụ nữ đồng hương giới thiệu cậu đến "khu căn hộ 0 đồng" ở phố Tân Triều, Thanh Trì. Qua điện thoại, thấy cậu nói không ra hơi vì đói, đầu dây kia trả lời: "Em đang không có chỗ ở đúng không? Anh nhắn địa chỉ em qua luôn, anh đưa đi test Covid-19 rồi yên tâm ở cho đến khi nào hết dịch".
Bước chân vào tòa nhà 10 tầng khang trang, chàng trai Nghệ An vẫn run và không dám tin mình sẽ được ở đây trong những ngày sắp tới. Đông được xếp ở chung cùng hai người bạn trạc tuổi có hoàn cảnh tương tự. "Lễ nhận phòng" của cậu là hai gói mì thêm trứng có sẵn để cứu đói. Những ngày sau có thêm tiền hỗ trợ của chủ nhà, mọi người đi chợ nấu cơm tươm tất, có thịt, rau...
"Ban đầu tôi không nghĩ ngợi nhiều về nơi ở nhưng khi nhận phòng tôi rất bất ngờ về điều kiện sống đầy đủ tiện nghi", chàng trai vốn quen sống ở những lán lều dựng tạm cho công nhân, nói.
Ở ngôi nhà này, ngoài phòng của Đông, có 5 phòng khác đã đón 20 người là lao động tự do mất việc làm, không có thu nhập, người vô gia cư và những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo đang mắc kẹt ở Hà Nội. Mỗi phòng đều được "trang bị sẵn" gạo, mỳ tôm, ngoài ra chủ nhà còn hỗ trợ mỗi người 50.000 đồng một ngày.
Anh Hoàng Xuân Tuấn, 38 tuổi, người đồng hương của Đông, cũng không có thu nhập nhiều tháng nay. Muốn giữ an toàn cho gia đình, anh Tuấn quyết định không về quê và giấu kín chuyện mất việc cho vợ đỡ lo. Công việc ship đồ nội thất của anh phải nghỉ từ khi Hà Nội giãn cách. Ngày 23/8, Tuấn tình cờ đọc được bài viết có "căn hộ 0 đồng" hỗ trợ nơi ăn, ở, anh quyết định gọi điện xin chuyển đến khi trong túi không còn một xu.
Chủ của những "căn hộ 0 đồng" này là anh Nguyễn Xuân Thông, 28 tuổi, giám đốc một công ty bất động sản. Tòa nhà 10 tầng là văn phòng và nơi làm việc của hơn 50 nhân viên trong công ty. Trong giai đoạn thành phố giãn cách xã hội để phòng dịch, dù rất nhiều khách hỏi thuê phòng nhưng anh đều từ chối, dành những căn hộ ở tầng 5 và tầng 8 đón những người khó khăn đến ở miễn phí.
Khi Hà Nội giãn cách đợt thứ 3, ngày 23/8, một lần đi qua phố Phạm Hùng, Thông thấy nhiều người vạ vật dưới chân cầu vượt, nên nảy sinh ý tưởng "đưa người không có nơi ở về nhà". Anh rà soát qua hội đồng hương, có ai đang khó khăn thì giúp đỡ và thông báo trên mạng xã hội để những người dân khác biết đến.
"Bản thân tôi xuất phát từ một gia đình làm nông nghèo miền Trung, có những ngày đói, chạy ăn từng bữa, một mình ra Hà Nội lập nghiệp với hai bàn tay trắng nên tôi hiểu vấn đề mà mọi người gặp phải và biết thứ họ cần nhất vào lúc này", Nguyễn Xuân Thông chia sẻ.
Sau hai ngày thông báo, Thông không ngờ số người cần giúp đỡ lại nhiều đến như vậy, điện thoại gần như "cháy máy". Anh quyết định trưng dụng thêm 15 phòng trọ, căn hộ khác của công ty tại các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm giúp cho những người khó khăn.
Anh Nguyễn Tuấn, nhân viên của Thông cho biết: "Rất may là công ty kinh doanh loại hình cho thuê căn hộ và mặt bằng văn phòng, nên có nhiều phòng để giúp mọi người. Số tiền hỗ trợ hàng ngày 50.000 đồng một người đều do anh Thông tự bỏ ra".
Thời điểm này, những đối tác thuê mặt bằng gặp khó khăn, anh Thông cũng tạo điều kiện nhiều nhất có thể. "Cứ ai gọi điện xin đến ở, chúng tôi đều lên danh sách để test Covid-19 sau đó sắp xếp phòng cho mọi người. Trước khi đón người vào phòng, anh Thông đều nhắc tôi kiểm tra điện, nước và các đồ dùng có sử dụng được không để sửa chữa", Tuấn nói.
Bà Hoàng Thị Đầm, tổ trưởng dân phố số 2, Tân Triều, Thanh Trì cho biết, đây là việc làm nhân văn vì cộng đồng, nên tổ dân phố ủng hộ anh Thông trên tinh thần đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 nghiêm ngặt. "Hàng ngày, chúng tôi vẫn trao đổi với đại diện công ty đang tổ chức cho công dân gặp khó khăn đến ở để nắm bắt tình hình, phát nhiều phiếu đi chợ cho mọi người mua thêm lương thực, thuốc men trong thời gian giãn cách", bà Đầm nói.
Việc mở cửa đón những người khó khăn vào ở cũng có thể gặp rủi ro nếu không may có F0. "Khi xác định để những người lạ đến ở trong lúc dịch bệnh vẫn diễn ra phức tạp, tôi đã lên tinh thần chuẩn bị sẵn những vấn đề xấu nhất có thể ập đến bất cứ lúc nào. Tôi cũng mong muốn sau khi hết giãn cách, có thể giúp đỡ thêm các trường hợp thất nghiệp kiếm được việc làm ổn định", giám đốc trẻ cười nói.
Lệnh Thắng