Tác giả bài viết cho rằng chính quyền thành phố Hà Nội cần ngăn chặn nước thải chảy trực tiếp xuống hồ Gươm. Ảnh: landtoday.net. |
Vừa qua trên một báo điện tử, có một tác giả nảy ra “sáng kiến” xây các bể lọc nước hồ Gươm theo kiểu bể lọc nước ăn, sinh hoạt trong gia đình. Tác giả lại có ý tưởng: Phải lọc nước hồ Gươm làm sao cho nước không bị xanh trở lại. Hay nói cách khác, tác giả này muốn loại bỏ màu xanh của nước hồ Gươm!
Tôi cho rằng sẽ hết sức sai lầm và không tưởng nếu như chúng ta lập dự án đầu tư xây các bể lọc theo “sáng kiến” của tác giả nêu trên, hòng loại bỏ màu xanh nước hồ Gươm.
Màu xanh đặc trưng của nước hồ Gươm đã tồn tại từ bao đời nay. Vì thế hồ Gươm còn có tên gọi là hồ Lục Thủy. Nó đã đi vào đời sống văn hoá vô cùng đẹp đẽ của nhân dân thủ đô Hà Nội nói riêng cũng như nhân dân cả nước nói chung. Và có lẽ tất cả những ai đang xa xứ, vẫn nhớ bài hát Xa Hà Nội (có câu hát về hồ Gươm): “Mặt nước vẫn xanh như ngày xưa".
Xét về mặt khoa học người ta không thể đòi hỏi nước hồ Gươm phải sạch như nước ăn uống, sinh hoạt của con người, hoặc như nước bể bơi. Mới đây nhất, theo các nhà chuyên môn nhận định “cụ” Rùa hồ Gươm hiện nay đã sống khoảng 150 tuổi. Trong khi đó, hồ Lục Thủy tồn tại từ bao đời nay. Như thế có nghĩa là màu xanh nước hồ không ảnh hưởng gì đến tuổi thọ “cụ” Rùa. Mà ảnh hưởng đến sức khoẻ, tuổi thọ “cụ” Rùa, theo tôi quan sát thực tế: chính là do những “họng” cống nước thải bẩn hiện nay, chúng chảy trực tiếp xuống hồ Gươm. Nước thải từ các cống cùng với số lượng bùn bẩn còn tồn đọng ô nhiễm, lưu cữu lâu ngày ở đáy hồ làm “cụ” Rùa bất an.
Cho nên, giả dụ cứ xây các bể lọc nước quanh hồ Gươm, song vẫn để cho những “họng” cống tống nước bẩn thải xuống hồ như bây giờ, vẫn không tiếp tục nạo vét bùn bẩn, thì lại càng mất công dã tràng, chỉ tổ gây lãng phí, tốn kém tiền của nhà nước và nhân dân.
Mặt khác, sở dĩ nước hồ Gươm xanh đẹp như thế có thể là do một loài tảo riêng biệt dầy đặc, luôn sinh sôi nảy nở (chỉ ở hồ Gươm). Các hồ khác như hồ Tây, hồ Trúc Bạch ở Hà Nội không có loài tảo này nên không thể có màu nước xanh như nước hồ Gươm. Và có đem loài tảo thả vào các hồ đó cũng chẳng được. Thế mới thật là bí ẩn?
Ngoài ra, có người còn nghĩ rằng ở dưới đáy hồ Gươm có một mỏ đồng khổng lồ nên nước hồ có màu xanh? Do đó có xây mấy bể lọc nước cũng đừng hòng loại bỏ được màu xanh nước hồ Gươm.
Còn việc ngộ nhận hồ Gươm như hồ tù, không có đường thoát nước là sai. Vì hàng năm vào hai mùa đông xuân, hiếm cơn mưa lớn làm mực nước hồ cạn (do nước khuyếch tán, bay hơi đi). Đến hai mùa hè thu mưa rào nhiều, lại bù vào hồ những lượng nước mới “toanh”. Trường hợp mực nước hồ đầy quá, đã có cống thoát ra hệ thống thoát nước thành phố. Như vậy, hồ Gươm đâu phải hồ tù.
Do đó, biện pháp thực tế rất đơn giản, trong tầm tay để làm sạch nước hồ Gươm là: Thành phố Hà Nội cần khẩn cấp bịt tất cả những “họng” cống, không cho chúng chảy trực tiếp xuống hồ. Đồng thời, chính quyền cho kiểm tra toàn bộ phía dưới “hàm ếch” và hệ thống thoát nước thải, hệ thống nhà vệ sinh nhà hàng Thuỷ tạ, kể cả Đền Ngọc Sơn, không cho tuôn trực tiếp xuống hồ. Nghiêm cấm đổ rác, vứt bát hương, tro tàn xuống hồ. Và tất nhiên, vẫn phải triển khai dự án nạo vét bùn các giai đoạn tiếp theo, để giữ nước hồ Gươm xanh, góp phần bảo đảm môi trường chung ở thủ đô Hà Nội, trong đó có môi trường sống cho “cụ” Rùa linh thiêng, huyền thoại.
Nguyễn Thành Lập