Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 19/8 cho ý kiến về báo cáo dân nguyện tháng 7. Trong đó, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Công tác đại biểu, đề cập việc một số trường đại học ghi nhận mức điểm chuẩn kỷ lục.
Theo bà, nguyên nhân là hiện nay có quá nhiều phương án tuyển sinh để học sinh và phụ huynh lựa chọn. Trong khi trước đây, học sinh thường vào đại học bằng các khối thi như A, B, C, D.
"Đặc biệt là hiện tượng xét tuyển từ rất sớm, các trường tự chủ nên luôn cố gắng tuyển cho đủ chỉ tiêu. Thậm chí trước khi thi tốt nghiệp một học kỳ, đã có trường gần như tuyển sinh xong", bà Hải nói. Cơ hội dành cho thí sinh dùng điểm thi tốt nghiệp THPT bị giảm xuống, điểm chuẩn đội lên rất cao bởi "chỉ tiêu 100 mà xét tuyển sớm đã 80".
"Cử tri có người nói thi vào đại học còn dễ hơn rất nhiều so với tuyển sinh cấp 3, hoặc tuyển sinh đầu cấp như lớp 1 và lớp 6".
Bà Hải đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu về cơ chế tự chủ tại các trường đại học và quy chế tuyển sinh. Theo bà, tự chủ nhưng không có nghĩa làm gì cũng được. Cơ quan quản lý nhà nước cần có chế tài, biện pháp giám sát để đảm bảo thu hút được học sinh giỏi, đảm bảo chất lượng, không chạy theo số lượng.
Trong ba ngày 17-19/8, tất cả đại học đã công bố điểm chuẩn. Nhìn chung, với cách tính điểm ba môn theo tổ hợp, đầu vào ở nhiều trường và nhiều ngành tăng so với năm ngoái.
Đại học Sư phạm Hà Nội ghi nhận mức điểm chuẩn kỷ lục, kể từ năm 2015 - thời điểm bắt đầu đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, ngành Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn lấy 29,3 điểm, cũng là mức điểm chuẩn cao nhất toàn quốc. Nếu không có điểm ưu tiên, thí sinh phải đạt trung bình gần 9,8 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.
Nhiều trường cũng có ngành lấy điểm chuẩn trên 9,5 mỗi môn, như Kinh tế quốc dân, Ngoại thương, Luật Hà Nội, Học viện Ngoại giao, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)...
Ngoài sức hấp dẫn của các ngành "hot" hay đề thi thiếu tính phân hóa, phổ điểm tăng, các chuyên gia còn cho rằng lý do nằm ở việc các trường dùng quá nhiều phương thức xét tuyển, dẫn đến chỉ tiêu dành cho xét điểm thi tốt nghiệp không còn nhiều. Một số ngành chỉ tuyển 5-15 sinh viên bằng cách này.
Tác động của xét tuyển sớm từng được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề cập tại Hội nghị về giáo dục đại học, hôm 9/8.
Theo ông Sơn, ngành giáo dục đang đứng trước thách thức đổi mới công tác tuyển sinh để hô ứng với toàn bộ đổi mới từ phổ thông đến đại học. Việc các trường xét tuyển sớm có tác động tiêu cực đến giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối, thí sinh đỗ sẽ không học nữa, rất tai hại. Việc này cũng tạo ra sự mất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt.
Bộ trưởng nhấn mạnh các trường tự chủ cao trong tuyển sinh không có nghĩa thích làm gì thì làm. Việc tự chủ phải trong khuôn khổ các quy định. Vì vậy, thời gian tới, có thể Bộ Giáo dục và Đào tạo phải điều tiết.