Tại sự kiện, PGS.TS Nguyễn Huy Nga công bố kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Môi trường Sức khỏe (CHERAD), thực hiện phỏng vấn trên 1.000 học sinh Hà Nội từ 12-17 tuổi, cuối tháng 7. Cụ thể, có 96,8% học sinh đánh giá các loại thuốc lá với mức độ độc hại khác nhau. Mức độ độc hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng được học sinh đánh giá ít hơn so với thuốc lá điếu thông thường.
Từ cơ sở dữ liệu đó, các chuyên gia cùng thảo luận về giải pháp kiểm soát thuốc lá theo hai hướng là tăng cường tuyên truyền về tác hại của mọi loại sản phẩm thuốc lá, kết hợp với việc thực hiện nghiêm quy định mà pháp luật đặt ra dành riêng cho nhóm đối tượng.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga đưa ra các khuyến nghị về việc xây dựng hành lang pháp lý, thực thi nghiêm các quy định xử phạt đối với trẻ vị thành niên sử dụng bất kỳ loại thuốc lá nào, tương tự như Nhật Bản, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của nicotine đối với cơ thể, thành lập các nhóm hỗ trợ thanh thiếu niên cai thuốc lá, tổ chức hoạt động thể chất nhiều hơn ở nhà và trường học nhằm giải tỏa căng thẳng, giúp trẻ hạn chế sử dụng thuốc lá. Ngoài ra, có thể cân nhắc các mức phạt nghiêm khắc hơn đối với học sinh sử dụng thuốc lá.
Nói về công cụ pháp lý để thực thi biện pháp ngăn chặn này, ông Lê Đại Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) khẳng định vì chưa được đưa vào quản lý nên dẫn đến việc giới trẻ dễ tiếp cận thuốc lá mới. Việc ngăn chặn học sinh, sinh viên sử dụng thuốc lá đã có quy định đầy đủ, tuy nhiên cần có lực lượng chuyên trách thực thi xử lý vi phạm.
Mặt khác, hành lang pháp lý cho sản phẩm cần song hành với việc thực thi xử phạt. Cụ thể, cần cấm hoàn toàn người dưới 18 tuổi sử dụng thuốc lá, dù là thuốc lá điếu truyền thống hay thuốc lá mới. Đồng thời, với những nhà cung cấp phát sinh giao dịch với các đối tượng chưa đủ tuổi cũng cần phải tăng hình thức và mức xử phạt có tính răn đe.
Sự kiện đồng thời kết nối trực tuyến với TS.BS Hiroya Kumamaru - Phó giám đốc bệnh viện đa khoa AOI, Nhật Bản. Ông Kumamaru cho rằng việc buộc người hút thuốc cai thuốc là rất khó và cũng không đảm bảo việc sử dụng thuốc lá làm nóng là tốt. Đối với trường hợp nhiều người không thể cai được thuốc, ông đưa ra lời khuyên là nên chuyển sang sử dụng thuốc lá làm nóng.
Hiện thuốc lá làm nóng được 184 trong tổng số 194 quốc gia thành viên của WHO đưa vào quy định quản lý để cung cấp hợp pháp cho người hút thuốc. Các quốc gia đã thương mại hóa thuốc lá làm nóng áp dụng quy định quản lý chặt chẽ đối với loại sản phẩm này, trong đó bao gồm việc không được phép đưa ra những tuyên bố chưa được khoa học kiểm chứng, không gây nhầm lẫn các sản phẩm này là hoàn toàn vô hại, phạt nặng hoặc tước giấy phép đối với những thương nhân có giao dịch với người dưới 18 tuổi.
Kết thúc tọa đàm, phần lớn các đại biểu đều khẳng định cần quản lý các sản phẩm thuốc lá mới. Việc này tạo điều kiện để thực thi hiệu quả các biện pháp siết chặt và kiểm soát mức độ lưu thông mặt hàng này, đồng thời lập nên hàng rào pháp lý ngăn chặn giới trẻ tiếp cận với mọi loại thuốc lá.
An Hy