Người gửi: Bùi Quốc Chí
Sau khi đọc bài trả lời phỏng vấn của Thứ trưởng KH&CN Nguyễn Quân, tôi hoàn toàn tán thành những ý kiến nhận định của Thứ trưởng. Tôi chỉ xin phép được nói lên vài suy nghĩ của mình về sự cần thiết trong việc ứng dụng KH&CN vào thực tiễn cuộc sống.
Đầu tiên phải khẳng định là mọi nghiên cứu hay bất kỳ một công trình khoa học nào mà không áp dụng trực tiếp hoặc gián tiếp được vào phục vụ cuộc sống thì công trình hay công nghệ đó là vô giá trị. Vậy cần tập trung cao cho việc nghiên cứu ứng dụng các công trình nghiên cứu phục vụ cho cuộc sống. Tại sao ta không bắt đầu từ nhu cầu hay nói cách khác là đặt hàng cho các nhà khoa học nghiên cứu tìm giải pháp cho một việc cụ thể nào đấy?
Ví dụ điển hình như việc Thứ trưởng minh họa việc nhà nước đặt hàng giải pháp phá thủy lôi. Hoặc như vấn đề liên quan đến việc nội trợ, như tôi nhận thấy việc giặt giũ, phơi đồ, là (ủi) rồi,... quả thực là một việc mất rất nhiều thời gian và công sức mặc dù hiện nay đã có các loại máy giặt, hóa mỹ phẩm hỗ trợ. Vậy tại sao ta không đặt hàng cho các nhà khoa học tìm cách chế tạo ra loại máy giặt có thể thực hiện tất cả các công đoạn kể trên?
Việc này thực sự không phải là quá khó với ý tưởng kết hợp một cái tủ treo đồ + máy giặt và bàn ủi sử dụng hơi nước. Nếu nghiên cứu chế tạo thành công sản phẩm này nó sẽ tiết kiệm được rất nhiều công sức của các bà nội trợ thì đương nhiên sẽ bán chạy và nhà sản xuất sẽ có lãi.
Hoặc ví dụ về ứng dụng cho vật liệu, ta biết rằng ngành xây dựng cần biết bao nhiêu cát để xây dựng nhất là các vùng ven biển và hải đảo thì việc cát xây dựng là vấn đề trong khi ngay dưới chân là cả một kho cát khổng lồ. Vậy tại sao không đặt hàng nghiên cứu tìm ra một chất phụ gia hoặc hóa chất nào đó để có thể sử dụng cát mặn cho xây dựng? Và có rất nhiều yêu cầu xuất phát từ thực tiễn nữa.
Việc thứ hai tôi muốn nói tới là nhiều công nghệ hoặc vật liệu mới là sản phẩm xuất phát từ quá trình lao động sản xuất, chứ không phải từ phòng thí nghiệm. Vậy ta phải làm cách nào để phát huy được những kinh nghiệm những ý tưởng của mọi người và để có thể biến nó thành hiện thực. Việc này cần có cơ chế từ các nhà quản lý.
Cuối cùng là vấn đề đầu tư cho KH&CN. Tại sao ta mới chỉ đầu tư rất ít cho lĩnh vực này mặc dù ai cũng biết tầm quan trọng và hiệu quả của nó? Thật ra là doanh nghiệp ai cũng muốn được tiếp cận những công nghệ hay sản phẩm mới nhưng ở ta việc này không dễ. Ngay cả ở Hà Nội hoặc TP HCM thì việc một doanh nghiệp muốn đặt hàng một yêu cầu nào đó thì họ cũng không dễ để tìm ra nơi nhận đơn đặt hàng. Vậy việc này cần Bộ KH&CN và các Sở phải làm thế nào để các doanh nghiệp dễ dàng thuận tiện tiếp cận được các nhà khoa học?
Tôi cũng như mọi người dân Việt Nam đều rất mong tới một tương lai gần nước ta trở thành một nước có nền KH&CN tiên tiến. Chẳng lẽ với gần 100 triệu dân có trí thông minh đâu thua kém nước nào mà chúng ta không phát huy được khả năng cứ mãi đi sau?