Thảo luận tổ tại Quốc hội về dự án luật Tài nguyên nước sửa đổi, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng dự thảo mới đề cập đến nước mặt, nước ngầm, nước mưa, nước biển. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới đã coi nước thải cũng là tài nguyên, bởi nguồn nước ngày càng cạn kiệt.
Tại Việt Nam, việc tái tạo và sử dụng lại nước thải không nhiều, nên rất lãng phí. Suy thoái, ô nhiễm, thất thoát nước đang nghiêm trọng. "Những vấn đề này cần đặt ra và có giải pháp trong dự luật. Nước không phải là trời cho không mà là tài sản, hàng hóa ngày càng có giá trị", ông Định nói.
Ông Định phân tích, Việt Nam có tài nguyên nước phong phú nhưng phân bố không đều về lãnh thổ và thời gian trong năm. Mùa mưa quá nhiều nước nhưng mùa hè (hoặc mùa khô) lại xảy ra hạn hán. Cả nước có nhiều sông nhưng chủ yếu là từ các nước khác như Trung Quốc, Lào, Campuchia chảy vào. Nguồn sinh thủy rừng đang ngày càng cạn kiệt.
Khi làm Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, ông Định xót xa khi địa phương có 40 sông dài hơn 10 km, mùa mưa toàn tỉnh thừa 3 tỷ m3 nước, nhưng mùa khô lại thiếu 800 triệu m3, đất đai bỏ hoang. Trong khi đó, các hồ chứa nước toàn tỉnh mới đạt 250 triệu m3. Để khắc phục tình trạng nước phân bố không đều, ông đề xuất quy định trách nhiệm điều tiết nước của Nhà nước tương tự như điều tiết điện.
"Nước là hàng hóa, ngành kinh tế thu lãi lớn. Tuy nhiên, dự thảo chưa nêu vấn đề này", ông Định nói.
Quan điểm của ông Định được hai Bộ trưởng đồng tình. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cảnh báo "Việt Nam không phải quốc gia thừa nước mà bị lệ thuộc về nguồn nước".
Vì vậy, ông cho rằng cần xem quản lý nguồn nước là một cấp độ quản trị quốc gia, bởi nó tác động sâu rộng đến tất cả ngành nghề. Tài nguyên nước cần được nhìn nhận ở nhiều góc cạnh từ an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội và đời sống.
Theo Bộ trưởng Hoan, nhiều quốc gia trên thế giới đã ứng dụng công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt hoặc tái sử dụng nước thải. "Một giọt nước tại Israel được sử dụng ba lần nhờ khả năng tái tạo nước thải, trong đó có nước thải sinh hoạt", ông Hoan dẫn chứng.
Ông đề nghị, dự luật nhấn mạnh đến các giải pháp khoa học công nghệ để bảo vệ tài nguyên nước bởi kỷ nguyên này là kỷ nguyên khô hạn và biến đổi khí hậu. Công nghệ xử lý nước thải, lọc nước biển phải được chú trọng để chủ động tạo nguồn nước ngọt cung cấp cho con người.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cũng đánh giá việc sử dụng nước thời gian qua còn lãng phí. "Nếu tái chế được nước thải sẽ giảm ô nhiễm, góp phần phục hồi nhiều dòng sông. Hiện có nhiều dự án áp dụng công nghệ đã sử dụng nước tuần hoàn, hầu như không xả nước thải. Chúng ta cần có hệ thống như vậy", ông Khánh bày tỏ.
Ông cũng lo ngại tình trạng biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến tài nguyên nước, đơn cử như đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động lớn khi bị xâm nhập mặn. Miền Trung khi mưa nước chảy thẳng ra biển, nếu không có công trình giữ nước thì nắng lên cũng thiếu nước.
"Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi được xây dựng trên quan điểm đây là loại tài sản quý giá cần bảo vệ, có điều tiết hợp lý, phân bố hiệu quả", Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường khẳng định.
Sau khi thảo luận tổ, dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi sẽ được đại biểu thảo luận tại hội trường ngày 20/6.