Tại Việt Nam, ngoài các ngân hàng thương mại, còn nhiều tổ chức tín dụng phi ngân hàng như công ty tài chính tiêu dùng, các tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân, các công ty cầm đồ hay tổ chức tài chính khác cho vay tiêu dùng. Lợi thế của việc vay qua các tổ chức tín dụng phi ngân hàng là không đòi hỏi về tài sản thế chấp hay việc bắt buộc phải chứng minh thu nhập.
Theo ông Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng cần phân chia rõ hai loại hình. Một là các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Các tổ chức tín dụng. Hai là công ty cho vay cầm đồ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Bộ luật Dân sự. Hai loại hình này khác nhau vì cho vay cầm đồ cần có đồ để cầm mới vay được còn công ty tài chính tiêu dùng là cho vay tín chấp.
Tuy nhiên, cả hai nhóm này đều đang gặp thách thức, trong đó có vướng mắc các quy định pháp luật, bất cập trong hoạt động thu hồi nợ. Trong bối cảnh thu nhập của người dân giảm sút do tình trạng thiếu việc làm, doanh nghiệp phá sản, việc thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng càng trở nên khó khăn.
Thời gian gần đây, ngày nhiều đối tượng vay nhưng không muốn trả hoặc sử dụng nguồn vốn vay sai mục đích khiến các công ty tài chính không thể đòi được nợ, từ đó nảy sinh một số trường hợp có vi phạm trong quá trình thu hồi nợ. Trước thực trạng này, một số đơn vị cho vay tiêu dùng đang có dấu hiệu e dè, thắt chặt hoạt động cho vay. Điều này ảnh hưởng đến cơ hội vay vốn sinh hoạt, mưu sinh của những người có nhu cầu chính đáng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng nếu thu nợ theo phương thức bị cấm cần phải xử lỷ theo luật, nhưng những công ty làm đúng luật thì phải được hoạt động bình thường. Với các tổ chức phi ngân hàng hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Các tổ chức tín dụng, tức là các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, nếu phát hiện sai phạm, việc thanh kiểm tra, kiểm soát cần có sự phối hợp của cơ quan công an với thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
Hiện nay, tại một số địa phương, việc cơ quan chức năng ra quân kiểm tra hành chính đã gây ra một số tác dụng phụ. Thậm chí có tình trạng những người vay tạo nhóm bùng nợ trên mạng xã hội, thu hút hàng trăm nghìn người tham gia. Hậu quả là các công ty tài chính tiêu dùng không đòi được nợ, các nhân viên thu hồi nợ xin nghỉn việc hàng loạt, con nợ trở thành ông chủ, gây áp lực với chủ nợ.
"Thời gian tới sẽ xảy ra tình huống nhiều người không tiếp cận được vốn vì một nhóm chây ỳ không chịu trả nợ khiến nợ xấu tăng cao, tiền không trở lại ngân hàng và các công ty tài chính buộc phải siết chặt lại điều kiện cấp vốn. Điều này đi ngược lại với mục tiêu tài chính toàn diện mà Đảng và Chính phủ đang hướng tới", ông Hùng nói.
Theo đó, cần phải thống nhất nguyên tắc: vay là phải trả và hành động cố tình gây khó khăn khi thu hồi nợ là không thể chấp nhận. Cụ thể là cần có quy định pháp luật để các công ty tài chính thu hồi nợ khi người vay không có ý thức trả nợ.
Theo chuyên gia, gốc ở đây là Bộ luật Dân sự và một số văn bản quy định pháp luật liên quan quy định về quyền lợi, nghĩa vụ giữa người vay và người cho vay chưa chặt chẽ, bình đẳng. Việc xem xét sửa Bộ luật Dân sự để có sự đồng bộ với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết 42 cần đặt trách nhiệm của người vay lên hàng đầu là cần thiết. Trách nhiệm của người vay vốn là phải trả nợ, nếu không trả thì phải xử lý như thế nào với những chế tài thực sự khả thi, có hiệu quả đảm bảo quyền lợi cho các quan hệ dân sự.
Tính đến ngày 30/9/2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 11,6 triệu tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 2,42 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với cuối năm 2021, chiếm gần 21% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế với 84 tổ chức tín dụng tham gia cho vay.
Trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm gần 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế. Tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân 10 năm (2010 - 2020) đạt 33,7%, luôn cao hơn tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế (17,3%).
Đăng Tuấn