Tại hội thảo khoa học lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo văn kiện trình đại hội Đảng lần thứ 11 do ĐH Luật tổ chức cuối tuần qua, bài góp ý của tiến sĩ Phạm Văn Hùng, Tổng biên tập Tạp chí nghiên cứu lập pháp (Văn phòng Quốc hội), đã gây sự chú ý của đại biểu. VnExpress xin trích đăng một phần bài viết của ông.
Dự thảo cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã đề cập đến một vấn đề vô cùng quan trọng trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, theo đó có cơ chế tổ chức quyền lực được thiết kế theo định hướng sau:
"Nhà nước gắn bó chặt chẽ với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu tham nhũng, lộng quyền vô trách nhiệm, xâm phạm quyền dân chủ của công dân. Tổ chức và hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thống nhất quyền lực, có sự phân công, phân cấp, đồng thời đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất của trung ương.
Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; có cơ chế kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện ba quyền đó".
Như vậy, so với cương lĩnh năm 1991, dự thảo cương lĩnh bổ sung nội dung “có cơ chế kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện ba quyền đó”. Vấn đề đặt ra là tại sao dự thảo cương lĩnh lại có sự bổ sung nội dung về cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp? Mức độ bổ sung như thế đạt được mục đích cho sự vận hành có hiệu quả cơ chế tổ chức quyền lực trong nhà nước pháp quyền hay chưa?
Về cơ sở lý luận, chủ nghĩa Mác- Lê nin đã chỉ ra nội dung cội nguồn của vấn đề là từ phía nhà nước. Nhà nước được lập nên là do nhu cầu của xã hội, để phục vụ xã hội “nhưng lại đứng lên trên xã hội và ngày càng tách rời xã hội, chính là nhà nước”. Nhà nước vô sản được thành lập sau thắng lợi của cuộc cách mạng không thể ngay lập tức xóa bỏ hết thảy những mặt tiêu cực của bộ máy nhà nước trước đó.
Từ kinh nghiệm của Công xã Pa-ri các nhà kinh điển luôn nhấn mạnh về điều kiện sống còn của bộ máy nhà nước vô sản là mọi công chức nhà nước phải do dân bầu nên, phải chịu trách nhiệm và có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào. Muốn cho người dân thực hiện quyền có thể bãi miễn bất cứ lúc nào chỉ có thể thông qua cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của nhà nước.
Trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa từ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cho đến chính quyền địa phương vẫn phải sử dụng quyền lực và phải có quyền uy. Nếu nhà nước thiếu quyền lực, không có quyền uy thì sự rối ren, rối loạn sẽ ngay lập tức nổi lên đe dọa an ninh, an toàn cuộc sống của nhân dân. Giống như con tàu khi gặp bão ngoài biển khơi thì sinh mệnh của mọi thành viên phụ thuộc vào sự phục tùng ý chí của thuyền trưởng. Nhà nước chính là người thuyền trưởng ấy. Quyền lực của các thiết chế nhà nước, dù thực hiện theo hình thức nào cũng phải thông qua hành vi của con người cụ thể, chức danh cụ thể. Mà đã thông qua hành vi của con người cụ thể thì khó có thể nói là không bao giờ sai sót.
Hãy xem xét vấn đề sử dụng quyền lực trong lĩnh vực quản lý làm ví dụ. Có không ít nhà quản lý chiều lòng cấp dưới mong muốn được quý mến hơn là có quyền lực để công việc hoạt động và họ sẽ không thể đạt được mục đích chính, không nhất quán trong khi ra quyết định và tuân thủ chính sách. Ngược lại có nhà quản lý luôn lạm dụng quyền lực trong thi hành công vụ, gây bao nỗi phiền hà cho người dân, doanh nghiệp đến nỗi trong xã hội đã khá phổ biến câu nói về thủ tục hành chính là thủ tục “hành là chính”. Như vậy, việc sử dụng quyền lực nhà nước cũng luôn tiềm ẩn khả năng lạm dụng quyền lực, xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Về thực tiễn, không ai có thể phủ nhận trong những năm gần đây bộ máy nhà nước đã có nhiều đổi mới, người dân được thụ hưởng những giá trị của đổi mới. Tuy nhiên, bộ máy nhà nước cũng đã bộc lộ nhiều yếu kém cảnh báo nhiều nguy cơ từ phía các cơ quan nhà nước. Có thể nêu ra một vài dẫn chứng được dư luận cả nước quan tâm. Vụ Tập đoàn tàu thủy Việt Nam (Vinashin), một tập đoàn của nhà nước rơi vào bờ vực thẳm mắc nợ 80.000 tỷ đồng trong khi tổng giá trị tài sản chỉ có hơn 90.000 tỷ đồng cho thấy sự yếu kém của nhà nước ở tầm vĩ mô, gây lo lắng cho nhân dân là những người đóng thuế cho việc nuôi dưỡng tập đoàn này.
Việc Quốc hội không thông qua dự án đường sắt cao tốc do Chính phủ trình với tổng mức đầu tư dự án khoảng 55 tỷ USD trong khi tổng thu nhập quốc dân khoảng 110 tỷ USD cho thấy đã có khoảng cách quá xa giữa nguyện vọng của nhân dân với quyết sách của Chính phủ. Tình trạng còn nhiều khiếu nại đề nghị giám đốc thẩm các loại án cho thấy chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp ở trung ương còn nhiều bất cập. Vấn đề là ai phải chịu trách nhiệm để xảy ra tình trạng nói trên? Nếu không có cơ chế kiểm tra, giám sát rõ ràng, minh bạch thì lòng tin của người dân vào bộ máy nhà nước sẽ ngày càng ít đi, đe dọa đến hiệu lực của nhà nước.
Về hệ thống luật pháp, từ Cương lĩnh năm 1991 đến nay, hệ thống pháp luật về kiểm tra, giám sát đã không ngừng được hoàn thiện. Hiến pháp 1992 (đã được sửa đổi năm 2001), các đạo luật quan trọng như Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật thanh tra, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật phòng chống tham nhũng, Luật giám sát của Quốc hội, Luật khiếu nại, tố cáo… đã được Quốc hội ban hành, sửa đổi, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm tra, giám sát.
Tuy nhiên hiệu quả của việc thi hành luật vẫn ở mức độ rất hạn chế đang là vấn đề được nhân dân quan tâm, lo lắng. Riêng vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm được quy định trong luật hoạt động giám sát năm 2003 sau gần hai nhiệm kỳ Quốc hội không tiến hành được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nào làm nhân dân thiếu tin tưởng vào thực quyền của Quốc hội.
Như vậy sự tin tưởng của nhân dân vào bộ máy nhà nước đang đứng trước nguy cơ suy giảm. Việc bổ sung nội dung có cơ chế kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là rất cần thiết bởi chỉ thông qua kiểm tra, giám sát mới có căn cứ khắc phục những mặt tiêu cực của bộ máy nhà nước, mới khôi phục được lòng tin của nhân dân. Nhà nước pháp quyền khác với các nhà nước chuyên chế ở chỗ là nhà nước phải biết hạn chế quyền lực của mình trong khuôn khổ của pháp luật. Việc sử dụng đúng quyền lực nhà nước không chỉ là trách nhiệm của tập thể mà còn phải đề cao hơn nữa trách nhiệm của cá nhân.
Đối với cán bộ nhà nước thì chức vụ càng cao, trách nhiệm càng phải nặng nề và chịu sự kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt của nhân dân. Trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải thực hiện triệt để hơn những chỉ dẫn của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác- Lê nin là mọi cán bộ phải nhận được sự tín nhiệm của nhân dân và phải bị bãi miễn bất cứ lúc nào nếu sự tín nhiệm đó không còn nữa. Chỉ có như vậy thì quyền lực nhà nước mới được kiểm soát, bộ máy nhà nước mới trong sạch.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, ngay sau khi mới thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Ban Thanh tra đặc biệt với những thẩm quyền rất lớn trong việc truy cứu trách nhiệm của các quan chức hành chính có hành vi sai phạm làm tổn hại đến uy tín Chính phủ. Do hoàn cảnh lịch sử, hoạt động của Ban Thanh tra đặc biệt tuy chưa được nhiều nhưng đã để lại trong lòng nhân dân dấu ấn không phai mờ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần đấu tranh kiên quyết để làm trong sạch bộ máy ngay từ những ngày non trẻ của bộ máy chính quyền.
Ngày nay, hệ thống các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát đã được tăng cường, nhưng hiệu quả thật không tương xứng với mong đợi của dân và nhất là người dân lại chưa được trực tiếp tham gia vào quá trình bãi miễn chức vụ của người có chức vụ, quyền hạn có hành vi sai trái.
Thiết nghĩ cơ chế kiểm tra, giám sát trong dự thảo cương lĩnh cần viết rõ hơn, nhấn mạnh hơn nữa tính mục đích của nó là phải kiểm soát được quyền lực, làm trong sạch bộ máy nhà nước tức là phải hướng mục tiêu trọng tâm của cơ chế kiểm tra, giám sát là làm trong sạch đội ngũ những người thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Kiểm tra, giám sát mà không kiểm soát được quyền lực, không bãi miễn được những người không còn tín nhiệm của nhân dân thì chẳng khác nào như tiếng trống dù có to cũng chỉ rung lên trong không khí mà thôi. Khi đó, quyền lực của cơ quan kiểm tra, giám sát vốn được Đảng, nhà nước và nhân dân rất đề cao lại có nguy cơ trở thành quyền lực hư ảo.
TS Phạm Văn Hùng