Ngày 28/11 vừa qua, Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư Quốc tế 2021 khai mạc, kéo dài trong hai ngày, do Cơ quan Phát triển Đầu tư Bangladesh (Bida) tổ chức dưới sự tài trợ của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).
Tại đây, các diễn giả cho rằng cần có một chính sách phát triển logistics toàn diện để tăng cường hệ thống giao thông trong nước và tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.
Abul Kasem Khan, chủ tịch Tổ chức Phát triển sáng kiến doanh nghiệp (BUILD) cho biết: "Việc hợp lý hóa cơ chế phát triển logistics quốc gia là điều bắt buộc đối với các nước đang phát triển, nhằm tăng cường đầu tư tư nhân. Nhìn vào dự báo tăng trưởng của Bangladesh, nước này cần có một hệ sinh thái logistics đẳng cấp thế giới để cải thiện khả năng cạnh tranh".
Ông Khan cũng dự kiến cần rót 300 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng logistics Bangladesh đến năm 2031. Từ đó, lĩnh vực này sẽ tăng trưởng, chiếm 6 - 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ mức 3,6% hiện nay.
Hiện nay, cả các công ty trong nước và nước ngoài đều yêu cầu hỗ trợ logistics hiệu quả để đảm bảo nâng cao năng suất, thời gian giao hàng ngắn hơn và tạo điều kiện mở rộng thị trường. Thực tế, chi phí kết nối ở Bangladesh cao do logistics kém hiệu quả, điển hình là tắc nghẽn giao thông và cảng biển nghiêm trọng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Bangladesh Khalid Mahmud Chowdhury cho biết, chính phủ đã thực hiện các sáng kiến cần thiết để phát triển cơ sở cảng và tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
M Shahjahan, Chủ tịch Cảng vụ Chittagong chia sẻ họ đã thực hiện một số giải pháp để thúc đẩy năng lực xếp dỡ hàng hóa, container tại cảng biển. Bên cạnh đó, các cảng mới đang được thành lập trong cùng với cơ sở vật chất được nâng cấp.
Tại hội nghị, ông Wan Chee Foong, CEO khu vực Trung Đông và Nam Á của PSA International cho biết, Bangladesh cần thiết lập các kết nối logistics toàn cầu khi nền kinh tế của họ đang phát triển nhanh chóng.
"Hỗ trợ về mặt pháp lý là cần thiết để phát triển lĩnh vực logistics trong nước vì nó sẽ giúp tăng khối lượng thương mại quốc tế", ông nói.
Ông Syed Ershad Ahmed, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Bangladesh cho rằng, lĩnh vực logistics địa phương rất kém và cần có sự quan tâm đặc biệt để xử lý nhu cầu ngày càng tăng đối với các cơ sở xuất nhập khẩu. Ông trích dẫn nhà kho tại Sân bay Quốc tế Hazrat Shahjalal không đủ đáp ứng nhu cầu hiện tại, đề nghị mở rộng để đẩy nhanh việc xuất khẩu.
Ghi nhận những ý kiến trên, Cơ quan đối tác công tư (PPP) phát biểu sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm năng lượng và y tế, dưới hình thức liên doanh với các công ty địa phương.