Chiều 30/5, cho ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, đại biểu Trương Trọng Nghĩa mong muốn có đột phá trong chủ trương, chính sách. Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh, thành chọn một số điểm quy hoạch treo kéo dài để xử lý.
"Người dân kể dự án có từ khi họ lập gia đình, nhưng tới nay đã thế hệ thứ ba rồi mà nhà không được xây, chuyển nhượng... Sự bất công này không nên kéo dài thêm nữa", ông Nghĩa nói.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình), quy hoạch sử dụng đất được xem là nền tảng, nhất là trong bối cảnh nhiều ngành kinh tế xem đất như nguồn lực quan trọng, là đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội. Từ thực tiễn thi hành Luật Quy hoạch và Luật Đất đai 2013, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã góp phần bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả trong quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cũng cho thấy chất lượng quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chưa cao, thiếu đồng bộ. Dự báo về nhu cầu sử dụng đất chưa theo kịp phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường. Điều này đã dẫn đến tình trạng thừa, thiếu cục bộ, mất cân đối cung cầu sử dụng đất. Thực tế, nhiều địa phương có cơ hội thu hút đầu tư nhưng thiếu quỹ đất để phát triển.
Vì vậy, ông Huy kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thẩm định, phê duyệt với những giải pháp khoa học, chi tiết, cụ thể. Chính phủ cần giao rõ nhiệm vụ cho các tổ công tác, đầu mối chịu trách nhiệm, cần thiết thì lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin và có những cơ chế để bảo đảm.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ ông là một trong những đại biểu Quốc hội khóa XIV háo hức bấm nút thông qua Luật Quy hoạch. "Tuy nhiên, có lẽ do kỳ vọng nhiều nên khi gặp vướng chúng ta lại thất vọng nhiều", ông Hoan nói.
Theo ông, thời đại hiện nay được quy định bởi bốn chữ: bất động, biến động, phức tạp, mơ hồ. Thế giới thay đổi nhanh đến mức cái mới ra đời chưa kịp định hình đã có cái mới hơn xuất hiện. Vì vậy, việc lập quy hoạch định hình 5 năm, 10 năm, thậm chí mấy chục năm sau "không đơn giản chút nào".
"Có chuyên gia nói với tôi quy hoạch áp từ trên xuống dưới hay từ dưới lên trên đều không ổn, có lẽ nên áp dụng theo đường xoắn trôn ốc, tức lấy cái này để tựa vào cái kia", ông Hoan nói, cho rằng không thể có quy hoạch phủ được hết toàn bộ. Vì thế nên chia thành hai mức độ, phần cứng là nhà nước có thể can thiệp được và phần thứ hai để một dung lượng không gian cho thị trường tự điều chỉnh.
Bộ trưởng Hoan cho rằng đã chậm thì không nên đi từ thái cực này sang thái cực khác, "bởi nhiều khi không có quy hoạch đã khó nhưng có rồi lại khó hơn vì chúng ta lại điều chỉnh, lại lệ thuộc vào sự thay đổi từ bên ngoài".
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng thừa nhận việc tích hợp các quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh... "là rất khó khăn về kỹ thuật". Toàn bộ dữ liệu, thông tin địa lý làm cơ sở nền tảng vẫn chưa thực hiện được.
Quy hoạch cần giải quyết mối quan hệ giữa tĩnh và động. Tĩnh là những gì mang tính bảo tồn, giữ gìn di sản thiên nhiên, dự án có giá trị lâu dài; ngoài ra là động. Đưa các yếu tố động vào quy hoạch phải đảm bảo yếu tố định hướng, cơ chế thị trường.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân) đồng tình với đánh giá của đoàn giám sát về tiến độ lập quy hoạch quá chậm so với quy định. Ông cho rằng cần làm rõ nguyên nhân chậm và đặt ra trả lời câu hỏi nếu phải thay đổi quy hoạch thì ai sẽ chịu trách nhiệm đền bù cho nhà đầu tư?
Ông cho rằng nguyên nhân không phải khiếm khuyết của Luật Quy hoạch, mà là hiểu chưa đúng cách thức tích hợp nên còn lúng túng, thậm chí còn chỉ đạo làm sai lệch bản chất. "Gần đây Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan ở Trung ương phải tập trung thực hiện nhiệm vụ quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch ngành. Những việc này cần phải làm song song với quy hoạch của các tỉnh", ông Cường nêu ý kiến.