Anh Dư Quế Hiếu, 33 tuổi, nhà ở quận Phú Nhuận (công nhân Công ty FAPV, Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên thường phải vay mượn người thân. Bảy năm trước, ba bị bệnh, lại muốn mua xe máy để đi làm, Hiếu đánh liều vay 20 triệu đồng từ công ty tài chính, sau một năm trả vốn lẫn lãi tới 30 triệu đồng. Số tiền phải trả quá cao khiến anh "sợ phát khiếp" mỗi khi nhắc đến vay nợ.
Nhưng rồi quyết tâm không vay mượn lung lay khi Hiếu lập gia đình, sinh con, nhiều khoản thiết yếu phải chi. Hai năm trước, anh té trật khớp vai, chi phí phẫu thuật hơn 40 triệu đồng. Được đồng nghiệp giới thiệu, nam công nhân vay Tổ chức tài chính vi mô (CEP) 30 triệu đồng để chữa bệnh, trả trong 10 tháng, tổng tiền lãi một triệu đồng. Năm ngoái, đại dịch ập đến, vợ mất việc, con ốm đau, anh Hiếu lại vay thêm quỹ, sau đó hàng tháng trích lương trả dần.
Công ty nơi anh Hiếu làm việc có 7.000 công nhân thì gần 1.600 người vay CEP. Ngoài trường hợp giải quyết những lúc cấp bách, nhiều người vay để gửi về quê giúp cha mẹ, anh em khi thiên tai bão lụt, xây sửa nhà, nuôi trâu bò... Mỗi tháng họ trích lương vài triệu để trả như một cách tích luỹ vốn.
Không vay nợ như anh Hiếu, chị Trương Thị Trang Đài, 34 tuổi, công nhân Công ty TNHH Nissey Việt Nam, ngụ ở quận 8, cũng nhiều lần vay CEP giúp mẹ thoát tín dụng đen. Mẹ chị Đài kinh doanh nhỏ, nhiều hôm bán ế, cụt vốn bà vay nóng quay vòng vốn; vay một triệu mỗi tháng trả lãi 200.000 đến 300.000 đồng. Số tiền tưởng nhỏ nhưng lãi "đẻ" quá nhanh, mượn nhiều nơi khiến bà mất khả năng thanh toán, bị chủ nợ hăm doạ, đòi xử.
"Nếu không có CEP, tôi chẳng biết xoay tiền ở đâu để đỡ đần cho mẹ", Trang Đài nói và cho biết trước đó chị đã thử tìm một số tổ chức tín dụng, nhưng có nơi lắc đầu, có nơi đồng ý nhưng yêu cầu người vay phải có tài sản thế chấp, lãi suất cao. Trong khi ở quỹ, chị chỉ cần xác nhận của công đoàn công ty là có thể làm thủ tục vay tiền.
Vốn yêu mến CEP lại được ông Ngô Ngọc Tấn, Giám đốc chi nhánh quỹ CEP quận 8 động viên, chị Đài đã gửi hồ sơ ứng tuyển. Đầu năm ngoái, chị trở thành nhân viên của quỹ. Từng là công nhân, có người thân là nạn nhân tín dụng đen, chị biết cách nói chuyện nên nhận được sự tin tưởng của người đồng cảnh ngộ, từ đó đề xuất cách hỗ trợ tốt nhất.
Tiền thân là Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo, tổ chức CEP ra đời từ ý tưởng của bà Hoàng Thị Khánh, lúc đó là Chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM. Các đây 30 năm, đất nước còn nghèo, sản xuất hạn hẹp, số lượng công nhân thất nghiệp gia tăng. Nhiều người có nguyện vọng muốn được hỗ trợ vốn xoay sở làm thêm nhưng không có nguồn. Vay ngân hàng phải thế chấp, mất thời gian vì thủ tục phiền hà.
Trong lần tiếp phái đoàn nước ngoài, bà Khánh quen ông Muhammad Yunus - nhà sáng lập Ngân hàng Grameen ở Bangladesh chuyên cho người nghèo vay vốn nhỏ mà không cần thế chấp. Đặc biệt số tiền ông Yunus cho vay bắt đầu chỉ từ 55 USD, chừng hơn một triệu đồng. Thấy mô hình hay, có thể áp dụng tại Việt Nam nên sau đó, liên đoàn cử một số cán bộ qua nước bạn học tập. Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo thành lập ngày 2/11/1991 theo mô hình của Ngân hàng Grameen, với khoản vốn một tỷ đồng do chính ngân hàng này tài trợ.
Lần phát vốn đầu tiên cho công nhân được tổ chức ở 14 Cách Mạng Tháng Tám, quận 1, là trụ sở CEP hiện nay. Lần đó, có người vay vài chục nghìn, người vay một triệu để bán xôi, nuôi gà heo, mua máy may... tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Sau 30 năm, hơn 4,5 triệu lượt công nhân được quỹ cho vay vốn, với tổng số tiền gần 60.000 tỷ đồng. Quỹ được đánh giá đã góp phần xoá đói giảm nghèo, giảm tệ nạn xã hội, nhất là tín dụng đen trong công nhân. Nguồn vốn hoạt động của quỹ hiện đạt hơn 5.500 tỷ đồng, phát triển tại 9 tỉnh thành phía nam.
Để được vay, công nhân gặp khó khăn trong cuộc sống, làm việc tại doanh nghiệp trên một năm, được công đoàn cơ sở xác nhận. Những công nhân không thông qua công đoàn có thể liên hệ với CEP cùng với có giấy xác nhận của địa phương. Mỗi người vay tối đa 50 triệu đồng. Tùy mức thu nhập, người vay lựa chọn cách thức trả phù hợp theo tuần hoặc tháng...
Lê Tuyết