Thanh Huyền -
Phần 2: Tệ bạc với vợ vì những nhân tình khác
Vidia không hề mua nhẫn cưới cho Pat - một sơ suất mà phải mất nhiều tháng sau Pat mới khắc phục được. "Em cảm nhận sâu sắc sự thiếu vắng của chiếc nhẫn. Anh đã hứa với em. Em nghĩ anh không nhận ra điều đó kỳ quặc với người khác như thế nào. Đừng cáu kỉnh. Đây không phải là chuyện chạy theo mốt, bốc đồng hay phung phí. Em không nghĩ là em sai khi coi chiếc nhẫn là thứ quan trọng", Pat than thở với chồng. Nhưng lờ đi chiếc nhẫn là Vidia tránh được mọi thứ: tiền bạc, dấu ấn hôn nhân và trách nhiệm xã hội của một người chồng. Vidia quyết định cưới Pat nhưng anh không sẵn sàng đón nhận hậu quả của quyết định đó. Thay vì giải thích rõ mâu thuẫn của mình, anh tự biện minh: "Anh không thích trang sức. Anh không nghĩ nhẫn cưới là quan trọng. Anh không có tiền". Cuối cùng Pat cũng mua được một chiếc nhẫn. Nhưng cô cũng rất hiếm khi đeo nó.
Pat muốn thông báo chuyện cưới xin của mình cho bố mẹ nhưng không thể. Vidia không chỉ phản đối việc đó mà còn lờ đi sự tồn tại của bố mẹ vợ: "Anh không thích họ, không thích một chút nào", Vidia nói. Không lâu sau đám cưới, Vidia còn đãng trí đánh mất đăng ký kết hôn. Pat giục anh xin lại một bản copy, hoặc tìm lại bản gốc. "Em không thể tưởng tượng anh lại làm thất lạc một thứ giấy tờ như vậy", Pat nói. Cuộc hôn nhân cứ thế trở thành một bí mật giữa hai người, hết ngày này đến tháng khác.
Pat không mấy hấp dẫn Vidia về mặt thể xác. Sau hôn lễ, tình trạng này càng trở nên tồi tệ. Nhưng Vidia quá ngại ngần để nói cho vợ biết điều đó. Hè năm 1958, nhà văn bắt đầu tìm đến gái điếm. Anh dễ dàng tìm thấy số điện thoại của họ trong các tờ báo địa phương. Vidia bí mật hú hí với họ vào các buổi chiều, khi vợ còn làm việc tại trường học. "Tôi không có thời gian để tạo lập các mối quan hệ, không có tài tán gái. Không ai chỉ cho tôi biết phải quyến rũ một cô gái như thế nào", nhà văn kể lại. Vidia biết rõ, gái điếm không thể thỏa mãn mọi nhu cầu của ông. Nhưng nhà văn tự nhủ, với khả năng tán tỉnh hạn chế của mình, thì "ăn bánh trả tiền" là giải pháp thích hợp nhất.
Nhà văn V.S. Naipaul. |
Những năm tiếp đó, danh tiếng của V.S. Naipaul lên như diều được gió. Ở tuổi 39, ông đã xuất bản 11 cuốn sách, trong đó có những tác phẩm xuất sắc như A House for Mr Biswas, An Area of Darkness, In a Free State - giải Booker. Vidia và Pat không thể có con. Mối quan hệ của họ vẫn gần gũi nhưng luôn ở trong tình trạng đồng sàng dị mộng.
Nhưng tất cả thay đổi vào tháng 4/1972, khi ông được tờ New York Review of Books đặt viết bài về khủng hoảng chính trị ở Argentina. Một buổi chiều ở Buenos Aires, khi đang uống trà với dịch giả Norman di Giovanni, Vidia gặp một người phụ nữ tên là Margaret Gooding. "Tôi ước được có Margaret ngay giây phút đầu tiên nhìn thấy cô ấy. Khi Margaret bước vào, tôi hoàn toàn bị choáng ngợp. Tôi yêu đôi mắt, yêu khuôn miệng, yêu tất cả những gì thuộc về cô ấy", nhà văn tâm sự.
Nhưng vốn không có tài năng tán tỉnh, Vidia phải nhờ đến sự giúp đỡ của Norman di Giovanni để tiếp cận Margaret. Nhờ sự khéo léo dàn xếp của Norman, Họ đã có những ngày lãng mạn tại một khu nghỉ dưỡng dưới chân núi Andes. Chỉ đến khi lên máy bay trở về nhà, Vidia mới cảm thấy lo lắng. Theo lời Norman, Vidia lo sợ, chồng của Margaret sẽ chờ đợi ông ở sân bay với một khẩu súng. "Máy bay hạ cánh. Bước ra khỏi chiếc taxi hàng không, Vidia nhảy qua rào, chạy rất nhanh về phía tòa nhà. Ông sợ người nhà của cô sẽ chờ ông ở sân bay", Norman kể.
Về tới nhà, Vidia biết, cuộc đời của ông hoàn toàn thay đổi. Trong 24 năm tiếp theo, Margeret trở thành người tình, nguồn cảm hứng sáng tác V.S. Naipaul. Khi về già, nhà văn thừa nhận, cuộc tình của ông với Margaret đã phá hỏng cuộc đời của Pat. "Tôi được giải phóng, còn cô ấy bị phá hủy. Đó là điều không thể tránh khỏi".
Tháng 11/1973, Vidia thành thực thú nhận với vợ về cuộc tình vụng trộm giữa mình và Margaret. Từ đó, ông còn chia sẻ với Pat mọi nỗi lo lắng, bồn chồn của mình như với một người bạn gái tâm giao chứ không phải là vợ. Đau khổ đến tan nát, Pat trút mọi phiền muộn vào nhật ký nhưng vẫn chấp nhận ở bên ông. Bà nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp, đọc sách, xem TV cùng ông. Trong nhật ký, Pat viết: "Một tối thứ bảy, Vidia thú nhận, anh không muốn làm tình với tôi kể từ năm 1967... ". Để quên đi sự thật phũ phàng, thời gian đó, Pat thường xuyên phải dùng đến thuốc ngủ.
Trong hàng nghìn trang nhật ký, Margaret không bao giờ được Pat nhắc đến bằng tên. Pat thường nói về tình địch bằng những từ như: "người phụ nữ ấy", "bạn anh ấy", "cô ấy", "người đó". Vidia vẫn rất tin tưởng ở vợ. Và đời sống tình dục của họ hồi sinh. Một ngày, Pat viết: "Vidia nói với tôi rằng, anh rất đau khổ vì người phụ nữ đó. Anh không biết tâm sự với ai nên đành nói với tôi. Chúng tôi trò chuyện đến 1h sáng. Sau đó, anh muốn làm tình với tôi. Vidia muốn miêu tả một cảnh bạo dâm trong cuốn tiểu thuyết mới nhưng lại rất hồi hộp khi viết về nó".
Tháng 5/1974, Vidia lên kế hoạch đến Argentina. Pat rất tuyệt vọng. "Cả London đều biết anh ấy đang quay lại với cô ta", Pat viết.
Vidia và Margaret sống với nhau hai tháng ở Buenos Aires rồi chuyển đến một ngôi nhà trên vùng đồi Córdoba. Vào mùa thu năm đó, Vidia tâm sự với Pat: "Chúng ta đang đi đến đoạn cuối của mối quan hệ kiểu này. Nếu cứ kéo dài như thế, mọi việc sẽ tệ hơn cho anh trong 8 năm tới, khi anh bước vào tuổi 50". Nhà văn cuối cùng quyết định gắn kết cuộc đời mình với Margaret. "Tôi muốn có Margaret với tất cả sự điên rồ của cô ấy", Vidia kể lại. Một cách miễn cưỡng, Pat chuyển đến một căn hộ ở London sinh sống. Nhưng bà vẫn thường xuyên che chở và quan tâm đến ông như với một đứa trẻ. Bà thường để lại cho ông những mẩu nhắc nhở tỉ mỉ: Thứ hai: bữa tối - súp cá mòi và nho. Thứ ba: bữa trưa - cá bỏ lò và 2 chiếc bánh hấp trứng táo...
Trong hai thập kỷ tiếp theo, mối quan hệ giữa ba người vẫn tiếp tục. Mỗi khi phải ra ngoài để tìm tư liệu, nghiên cứu về cuốn sách mới, Vidia thường đi cùng Margaret rồi lại về nhà với Pat. Lần này đến lần khác, nhà văn nghĩ mình có thể dứt khoát với người này để đến với người kia. Nhưng "Tôi không thể bỏ rơi Pat. Pat quá cô đơn trên thế giới này. Rất nhiều lần tôi nghĩ mình làm được, nhưng tôi không thể", Vidia nói. Tuy nhiên, việc nhà văn giữ quan hệ thân mật với cùng lúc hai người đàn bà khiến bạn bè của ông lắm lúc rơi vào tình trạng khó xử. Nhà văn David Pryce-Jones nhớ lại: "Một hôm, Vidia hẹn đến ăn tối. Ông gọi trước và thông báo là sẽ đến cùng Margaret. Tôi liền gọi điện báo cho những thực khách khác là Vidia không đi cùng Pat mà với một phụ nữ tên là Margaret. Nhưng rốt cuộc, Pat mới là người đến ăn tối cùng ông. Sau đó, tôi nhận được một lá thư rất buồn cười của ông bạn Hugh Thomas (nhà sử học). Thomas viết: 'Tôi rất vui vì ông báo trước cho tôi biết là Vidia đi cùng Margaret vì tôi rất hay nhầm bà ấy với Pat'".
Naipaul và người vợ được ông cưới về chỉ ít ngày sau khi Pat qua đời. |
Năm 1989, Pat biết mình bị ung thư. Vidia đưa bà đến một bệnh viện ở Southampton để làm sinh thiết. "Lúc đó tôi đang bận viết India: A Million Mutinies Now. Tôi gần như phát điên lên vì mớ hỗn độn ở bệnh viện... Khi tôi quay lại vào buổi chiều để đón Pat, chúng tôi lạc nhau... Cuối cùng, tôi cũng tìm thấy bà ấy. Pat đang ngồi trong xe lăn, rõ ràng là rất căng thẳng, đau khổ và cô độc. Và tôi đã giận dữ cả ngày vì điều đó", Vidia kể. Pat phải phẫu thuật cắt bỏ vú trái. Bà lặng câm trước nỗi đau này. Cũng như tên tình nhân của chồng, từ "ung thư" không hề xuất hiện trong cuốn nhật ký.
Vào thập kỷ 90, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Vidia thừa nhận, ông là khách quen của các lầu xanh, từng lên giường với nhiều gái điếm. Chuyện một nhân vật lớn như Vidia tiết lộ mối quan hệ với gái điếm trở thành "tin nóng" trên nhiều tờ báo khắp các quốc gia. Với Pat, đó là sự sỉ nhục khủng khiếp. Việc Vidia lặng lẽ đi lại với gái điếm vốn là chủ đề không bao giờ được nhắc đến giữa hai người. Nó quá tế nhị, quá xấu hổ cho một người vợ yêu chồng như Pat. "Tôi không ngờ thông tin như thế lại lên trang nhất. Pat chạy đi mua báo. Tôi đã bảo bà ấy, làm ơn đừng mua, đừng đọc. Nhưng bà vẫn bí mật đọc nó. Một thời gian sau, Pat ốm trở lại. Người ta bảo căn bệnh ung thư của Pat xuất phát từ những nỗi đau khổ mà bà phải chịu đựng. Pat tuyệt vọng. Bà ấy bị tổn thương và khóc hết nước mắt", nhà văn kể lại.
Trước đó, vào những năm 1970, tờ The New Yorker từng đưa tin, Vidia gặp gỡ một người phụ nữ lạ, bà nhanh chóng trở thành tình nhân của ông. "Tên bà là Margaret - một người phụ nữ Argentine, gốc Anh. Bà mảnh dẻ, hấp dẫn. Người phụ nữ 3 con này trẻ hơn Naipaul 10 tuổi, cao hơn ông vài inches. Hai người gặp nhau trong chuyến Naipaul sang Argentina", New Yorker viết. Thông tin này không làm Pat quá sốc. Vì chuyện Vidia có tình nhân hầu như mọi người đều biết, dù báo chí chưa từng đưa tin. Nhưng việc ông không được thỏa mãn trong tình dục, phải tìm đến gái điếm là sự xúc phạm sâu sắc đến Pat. Vidia suốt đời phải chịu trách nhiệm vì những gì ông đã gây ra cho Pat. "Bà ấy đau khổ. Người ta nói tôi đã giết bà ấy. Tôi cũng cảm thấy điều đó đúng phần nào", nhà văn thừa nhận.
Năm 1995, trong khi Vidia cùng Margaret đến Indonesia để viết một cuốn sách về đạo Hồi, Pat ốm rất nặng. Nửa tháng sau khi ông rời khỏi Anh, bà phải vào viện. Ông liền gửi đến bà một bức fax nồng nàn yêu thương. "Anh rất đau khổ khi nghe quá nhiều tin xấu này. Làm ơn hãy nói cho anh biết anh có thể làm gì để giúp em", Vidia viết. Nhưng Pat, như xưa nay vẫn thế, trả lời rằng, chồng bà không phải làm gì ngoài việc tập trung vào cuốn sách của mình.
Khi Margaret trở về từ Indonesia, Vidia tiếp tục đến Iran và Pakistan. Ngày 26/10, hai ngày sau khi đến Lahore, Vidia đến dự tiệc ở lãnh sự quán Mỹ. Tại đây, ông có dịp gặp gỡ với nhiều nhân vật thuộc giới thượng lưu. Một trong những vị khách đó là Nadira - nữ ký giả 42 tuổi. Khi tới dự tiệc, bà ngỏ ý muốn gặp nhà văn nổi tiếng.
Nadira kể lại: "Tôi bước lại gần ông và nói 'Ngài có phải là VS Naipaul?' Ông trả lời: 'Phải'. Tôi nhìn ông, không hề cười, rồi nói: 'Tôi có thể hôn ngài không?". Rồi tôi hôn lên má ông và nói: 'Để tỏ lòng tôn kính với ngài".
Thế rồi, theo lời Nadira, Vidia đã thật lòng tâm sự với bà mọi nỗi niềm riêng tư, từ bà vợ đau ốm đến người tình nhân ngày càng nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Họ tâm sự với nhau như hai người bạn lâu ngày.
Vidia trở về Anh vào tháng 1/1996. Trong thời gian này, căn bệnh ung thư khiến sức khỏe của Pat giảm sút rất rõ rệt. "Vào những ngày cuối đời, tôi vẫn đọc bản thảo của mình cho Pat nghe. Tôi đọc lâu quá. Bà ấy đau đớn và khóc. Tôi dừng lại. Tôi hỏi bà ấy một số ý kiến. Pat vẫn nhiệt tình trả lời. Pat là một cố vấn văn học rất tốt. Vài ngày trước khi chết, bà ấy vẫn còn nhận xét về tác phẩm của tôi", nhà văn kể lại. Ngày 3/2/1996. Pat qua đời.
Sau lễ hỏa táng, Vidia chụp ảnh lại những kỷ vật đơn sơ của Pat: chiếc giường, cặp kính, đôi giày, thuốc uống... Angela - người giúp việc của họ ra ngoài để mua đồ ăn: pho mát, táo, oliu xanh. Vidia viết vào danh mục đồ cần mua: "Oliu để dành cho Nadira, sẽ đến đây vào 9/2". Vidia vẫy một chiếc taxi đến sân bay Heathrow đón Nadira. Còn Angela sốc vô cùng khi biết thức ăn được chuẩn bị để đón cô dâu mới. Ngay sau ngày hỏa táng vợ, VS Naipaul đã mời một phụ nữ mới về nhà. Oliu trong đám tang đúng là được dùng làm đồ nguội trong đám cưới.
Phần 1
(Nguồn: Tele)